Thông báo 428/TB-VPCP năm 2018 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tại cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban
Số hiệu: | 428/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Duy Hưng |
Ngày ban hành: | 12/11/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 428/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2018 |
Ngày 09 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban. Tham dự cuộc họp có các thành viên Tiểu ban và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về dự kiến kế hoạch công tác của Tiểu ban và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban kết luận như sau:
1. Theo Quyết định số 150-QĐ/TW ngày 26 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội có nhiệm vụ tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng. Đây là các văn kiện đặc biệt quan trọng, đưa ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước trong thập niên tới và giai đoạn tiếp theo. Do đó, toàn bộ các thành viên Tiểu ban và các cấp, các ngành cần tập trung triển khai, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
2. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban đánh giá cao nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban, đại diện các Bộ, ngành tại cuộc họp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp việc, thường trực của Tiểu ban có trách nhiệm nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn chỉnh Chương trình tổng thể, lộ trình thực hiện; Kế hoạch triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể các công việc liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban để đưa ra thảo luận, thống nhất tại cuộc họp Tiểu ban lần tới.
Giao đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Thường trực Tiểu ban với thành phần gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và phân công nhiệm vụ trong Thường trực Tiểu ban, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2018.
b) Đề nghị các Bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan cử người tham gia Tổ biên tập; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ biên tập do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, thành viên là Đại diện lãnh đạo (cấp Thứ trưởng) của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh một số địa phương, đại diện các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo bộ phận giúp việc của Tổ trưởng Tổ biên tập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ cụ thể, cách thức làm việc, tổ chức Tổ biên tập, phân công thành các nhóm, mỗi nhóm gồm Trưởng Nhóm và các thành viên chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực công tác và nhiệm vụ phù hợp. Trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2018.
c) Xây dựng Quy chế hoạt động của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Quy chế hoạt động của Tổ biên tập, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 11 năm 2018. Trong đó lưu ý phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm của từng thành viên, tổ chức, cá nhân liên quan; xác định rõ yêu cầu công việc, sản phẩm, lộ trình thực hiện cụ thể.
3. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban đề nghị từng thành viên Tiểu ban và yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan tập trung nghiên cứu, đổi mới phương pháp, cách làm, nội dung; chú trọng tổng kết, đánh giá kỹ thực tiễn, những việc đã làm được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong nước, quốc tế; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Tiểu ban khác của Trung ương, đặc biệt là Tiểu ban Văn kiện; thường xuyên xin ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đưa ra những định hướng chiến lược, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới để đưa vào văn kiện, tài liệu trình Đại hội XIII của Đảng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và các Bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết, thực hiện./
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |