Thông báo 392/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã làm việc với Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Số hiệu: 392/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Quang Thắng
Ngày ban hành: 01/10/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 392/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Ngày 27 tháng 9 năm 2014, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã làm việc với Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tham dự có đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có ý kiến kết luận như sau:

1. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách thương mại, xuất nhập khẩu, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển thị trường kết hợp giữa đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường, góp phần quan trọng vào việc Việt Nam lần đầu xuất siêu.

Biểu dương Bộ Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng, tích cực trong chỉ đạo, triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương và chủ động trực tiếp đi kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 119.651 vụ (tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2013), xử lý 63.978 vụ vi phạm (tăng 12,25% so với cùng kỳ năm 2013); xử phạt vi phạm hành chính 187,86 tỷ đồng (tăng 20,86% so với cùng kỳ năm 2013); nộp ngân sách 258,8 tỷ đồng (tăng 18,88% so với cùng kỳ năm 2013).

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp và tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh, gây thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan, công khai tại các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối bán buôn, các cửa hàng bán lẻ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cần lưu ý các nguyên nhân chủ quan sau:

a) Một bộ phận cán bộ, công chức Quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, thiếu rèn luyện dẫn đến bảo kê, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật cần phải được phát hiện xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Nhiều lãnh đạo cơ quan Quản lý thị trường chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; chưa đề cao vai trò trách nhiệm. Cơ chế xác định trách nhiệm chưa rõ ràng nên việc xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu chưa kịp thời.

b) Công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các lực lượng chức năng khác chưa tốt, chưa thường xuyên. Công tác chỉ đạo của Bộ Công Thương bị hạn chế do lực lượng Quản lý thị trường ở địa phương thuộc sự quản của Ủy ban nhân dân các cấp.

c) Phương tiện, điều kiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, lực lượng mỏng và một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức Quản lý thị trường còn yếu, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

d) Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế, quy định của pháp luật liên quan chưa rõ ràng, chậm đổi mới, còn sơ hở bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng, như việc miễn thuế theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản hoạt động thương mại biên giới; Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 05 năm 2011 về chế độ hóa đơn, chứng từ; chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan...

2. Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Phải nhận thức rõ buôn lậu, gian lận thương mại tác động tiêu cực đến nền kinh tế và gắn liền với tham nhũng; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục quán triệt đến các cơ quan chức năng nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác này. Lực lượng Quản lý thị trường phải thấy rõ vai trò, làm tốt nhiệm vụ của mình trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kịp thời tham mưu đề xuất với Bộ Công Thương, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

b) Mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tập trung các mặt hàng thuốc lá, phân bón, mũ bảo hiểm; phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội, từ các tỉnh biên giới Tây Nam về thành phố Hồ Chí Minh để phân phối, tiêu thụ; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân thấy rõ tác hại buôn lậu và không tiếp tay, vận chuyển, mua bán hàng lậu; nhân rộng mô hình các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định.

c) Chủ động rà soát mô hình, tổ chức lực lượng Quản lý thị trường, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và bố trí lực lượng để lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phòng, chống các biểu hiện tiêu cực.

d) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

3. Về các kiến nghị của Bộ Công Thương:

a) Việc tổ chức lực lượng Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc và chế độ phụ cấp thâm niên: Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện Đề án Pháp lệnh về Quản lý thị trường, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản về hoạt động, tổ chức bộ máy của lực lượng Quản lý thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Về bổ sung biên chế cho lực lượng Quản lý thị trường: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Về bổ sung phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng Quản lý thị trường:

- Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, bố trí kinh phí để mua sắm một số phương tiện, trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng Quản lý thị trường một số địa phương, địa bàn trọng điểm qua Bộ Công Thương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2014.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm củng cố tổ chức, sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc cho lực lượng Quản lý thị trường để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

d) Việc sửa đổi chính sách miễn thuế theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014, giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 10 năm 2014.

đ) Việc quy định bán hàng miễn thuế 1 triệu đồng/người/ngày cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu: giao Bộ Tài chính có đánh giá về chính sách này để khẩn trương sửa đổi Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng trốn thuế.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các PTTg (để b/c);
- Các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- UB TW Mặt trận Tổ quốc VN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương);
- VP Thường trực BCĐ 389 Quốc gia;
- Đài truyền hình Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, NC, KTTH, TCCV, V.III, TH;
- Lưu: VT, V.I (3). LVD.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quang Thắng