Thông báo 3590/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại cuộc họp triển khai Công điện 1120/CĐ-TTg và công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp
Số hiệu: 3590/TB-BNN-VP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Trần Quốc Tuấn
Ngày ban hành: 14/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3590/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2011

 

THÔNG BÁO

VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI CUỘC HỌP TRIỂN KHAI CÔNG ĐIỆN SỐ 1120/CĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP

Ngày 12 tháng 7 năm 2011, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp triển khai Công điện số 1120/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa lương thực thực phẩm trong nước và nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn cung cho thị trường; công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, triển khai Luật ATTP. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo và đại diện các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp; các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối; các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học công nghệ và môi trường, Pháp chế, Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; đại diện Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng kết luận và giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

I. VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG ĐIỆN SỐ 1120/CĐ-TTG , NGÀY 09/7/2011 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để nắm chắc tình hình sản xuất, cung cầu và đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nông sản hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bộ yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách:

1. Về lĩnh vực chăn nuôi:

- Cục Chăn nuôi:

+ Khẩn trương cử cán bộ xuống các địa phương kiểm tra và nắm chắc tình hình sản xuất chăn nuôi, nhất là nguồn cung con giống, thức ăn chăn nuôi, đề xuất các giải pháp tăng nguồn cung con giống, tăng cường kiểm soát giá cả, chất lượng thức ăn chăn nuôi; nắm tình hình cung cầu các sản phẩm gia súc, gia cầm.

+ Tập trung ưu tiên chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm.

- Cục Thú y:

+ Tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiên quyết để dập dịch ngay từ khi mới phát sinh.

+ Nắm lại tình hình kiểm soát, vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các vùng trong cả nước, đề xuất các biện pháp tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông giữa các vùng, góp phần điều hòa thị trường trong nước. Thường xuyên nắm chắc tình hình xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm nói chung và với các nước có chung đường biên giới đất liền.

- Cục Chăn nuôi, Thú y: Chủ động cung cấp thông tin chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình sản xuất và cung cầu, tình hình dịch bệnh để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

2. Về lĩnh vực trồng trọt:

- Cục Trồng trọt nắm chắc lại tình hình sản xuất và cung cầu các mặt hàng rau, củ, đặc biệt ở thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Lâm Đồng… đề xuất các biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất (nếu cần thiết có thể cung cấp giống cho người dân).

3. Về lĩnh vực thủy sản:

- Tổng cục Thủy sản cử cán bộ xuống các địa phương kiểm tra và nắm chắc tình hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản để có sự điều tiết cho phù hợp, đặc biệt là giống cá rô phi và các loại cá nước ngọt khác.

4. Về mặt hàng đường và muối:

- Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối

+ Theo dõi sát sao tình hình sản xuất và cung cầu mặt hàng đường để phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cầu, không xảy ra tình trạng khan hiếm đường trong dịp Tết Trung thu sắp tới.

+ Nắm chắc và dự báo đến hết vụ tình hình sản xuất và cung cầu muối để có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh để xảy ra tình trạng biến động giá cả bất thường (sản lượng sản xuất muối giảm nhưng giá muối vẫn rất thấp).

5. Về giải quyết các khó khăn về vốn vay:

- Cục Chăn nuôi làm việc cụ thể với một số doanh nghiệp để làm rõ những khó khăn trong vay vốn của các doanh nghiệp (không vay được hay lãi suất cao).

- Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối có báo cáo tổng hợp tình hình sản xuất, cung cầu các mặt hàng nông lâm thủy sản, những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đề xuất giải pháp khắc phục để Bộ báo cáo Chính phủ và làm việc với Thống đốc Ngân hàng VN có biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và nông dân.

6. Về kiểm soát xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản:

- Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối rà soát lại các quy định về thương mại đối với các mặt hàng nông sản, đề xuất các giải pháp đối với tình trạng thương nhân nước ngoài trực tiếp thu gom các mặt hàng nông sản, thủy sản trong nước.

7. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành nắm chắc tình hình sản xuất và tiêu dùng; chất lượng và giá cả các mặt hàng nông lâm thủy sản trong cả nước, hàng tuần có báo cáo gửi Văn phòng Bộ (chậm nhất vào 15h00 chiều thứ 6 theo phần mềm báo cáo giao ban tuần) để Văn phòng tổng hợp báo cáo tại buổi họp giao ban sáng thứ 2.

II. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, TRIỂN KHAI LUẬT ATTP:

1. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:

- Thành lập 2 đoàn liên ngành đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai Thông tư “14’, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để các địa phương triển khai.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thông báo cho các doanh nghiệp về Thông tư “13” để các doanh nghiệp hiểu rõ và thông báo cho các đối tác kinh doanh ở nước ngoài thực hiện đúng các quy định luật pháp Việt Nam về kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

- Phối hợp với Cục Thú y tiếp tục làm việc với Bộ Khoa học và công nghệ để theo dõi ô nhiễm chất phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.

- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục triển khai, thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát chất lượng rau theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.

2. Cục Thú y:

- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định.

3. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện theo sự phân công của Bộ trưởng (xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn…) để chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các đơn vị biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp;
- Các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Quản lý CLNLS&TS; Chế biến TMNLTS&NM
- Các Vụ: Tài chính, KHCN&MT, Kế hoạch, Tổ chức cán bộ, Pháp chế;
- Thanh tra Bộ;
- Các Sở NN&PTNT: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT.CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG




Trần Quốc Tuấn