Thông báo 340/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Diễn đàn Phát triển Dân tộc Thiểu số năm 2018 chủ đề: “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận Chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”
Số hiệu: | 340/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Văn Tùng |
Ngày ban hành: | 07/09/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Dân tộc, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 340/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2018 |
Ngày 20 tháng 8 năm 2018, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Diễn đàn Phát triển Dân tộc Thiểu số năm 2018 với chủ đề: “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận Chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Khoa học và Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An, Cao Bằng, Bình Định, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Hà Nội, Đà Nẵng. Tham gia diễn đàn có đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam gồm: Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc và các tổ chức Phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, phát triển đến từ các Trường Đại học và trung tâm nghiên cứu nông, lâm nghiệp.
Sau khi nghe các báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đồng bào Dân tộc thiểu số và đề xuất chính sách giai đoạn sau 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:
Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước.
Đánh giá cao Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chủ trì phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tổ chức Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018. Diễn đàn đã thu được rất nhiều ý kiến có giá trị về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn sau 2020, ưu tiên nguồn lực thực hiện một cách cụ thể, chi tiết, khoa học.
2. Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình, nhất là các cây dược liệu quý và đặc hữu khác có giá trị kinh tế cao; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm.
3. Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh dựa vào phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khuôn khổ Chương trình 135, các chương trình, dự án hiện hành để tổng kết, đề xuất chính sách phù hợp, đồng bộ.
4. Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các bộ ngành và địa phương tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng chính sách kết nối, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vươn lên làm giàu dựa trên lợi thế, thế mạnh của khu vực cho giai đoạn sau 2020.
5. Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp cùng nghiên cứu, đề xuất những chính sách hiệu quả hướng tới đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm người dân miền núi yên tâm sống với rừng, giữ được rừng và làm giàu từ rừng.
6. Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng các loại hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ gia đình với các quy mô khác nhau ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
7. Các địa phương chủ động huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế xã hội như điện, đường, trường, trạm,... đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn để khai thác được các lợi thế, thế mạnh của địa phương. Phát huy sức mạnh của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân nắm chắc kỹ thuật, có tri thức, biết ứng dụng công nghệ cao, phát triển giống, công nghiệp chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, quảng bá, chống hàng giả, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để phát triển thị trường trong và ngoài nước, phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch.
8. Các địa phương có điều kiện khí hậu, địa hình phù hợp cần chủ động nghiên cứu mô hình phát triển và nghiên cứu khả năng di thực, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương mình; xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu tăng giàu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số khác, phải lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc sản, lâm sản ngoài gỗ đặc hữu để xây dựng mô hình, đồng thời có kế hoạch và lộ trình triển khai đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững.
9. Lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương mình. Khuyến khích hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các địa phương khác cùng liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển cây sâm Ngọc Linh.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TẠI DIỄN ĐÀN
Giao Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cùng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể về phát triển cây Sâm Ngọc Linh ra những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với các kiến nghị khác, giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, tiếp thu và triển khai thực hiện, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |