Thông báo số 333/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về tình hình giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trong thời gian vừa qua và định hướng cho thời gian tới
Số hiệu: | 333/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 12/12/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 333/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRONG THỜI GIAN VỪA QUA VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO THỜI GIAN TỚI
Ngày 03 tháng 12 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp về tình hình giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trong thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đặng Quang Điều, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm hàng năm đã góp phần giải quyết việc làm cho 1,5 đến 1,6 triệu lao động. Bình quân từ năm 2003 đến nay, mỗi năm đưa được trên 75 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã được xây dựng tương đối đồng bộ, thị trường lao động ngoài nước được củng cố, mở rộng, chất lượng nguồn lao động từng bước được cải thiện, công tác quản lý lao động ở nước ngoài được quan tâm hơn. Những kết quả trên đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đồng thời đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy vậy, công tác điều tra, dự báo về nhu cầu của thị trường lao động còn hạn chế. Việc triển khai đưa lao động sang những thị trường mới, công tác thông tin, tư vấn cho người lao động, công tác dạy nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng về pháp luật, về ý thức trách nhiệm, về tính kỷ luật cho người lao động còn yếu, công tác quản lý lao động làm việc tại nước ngoài còn nhiều bất cập, hiện tượng tiêu cực, lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động vẫn còn tiếp diễn, chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
2. Về định hướng việc làm, xuất khẩu lao động trong thời gian tới
Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong một vài năm tới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế. Để đẩy mạnh hơn nữa chương trình giải quyết việc làm và công tác xuất khẩu lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, điều tra, nắm chắc về tình hình lao động, dự báo nhu cầu thị trường lao động trong nước và ngoài nước để có giải pháp giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm và chương trình giảm nghèo.
c) Chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan bố trí đủ nguồn lực tài chính theo Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được phê duyệt.
d) Tăng cường quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, giáo dục cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu.
đ) Nghiên cứu mở rộng các hình thức xuất khẩu lao động, đặc biệt là thông qua nhận thầu ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổ chức đưa lao động sang làm nông nghiệp ở một số nước có nhu cầu.
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan tìm hiểu và làm việc kỹ với các cơ quan chức năng của các nước tiếp nhận lao động Việt Nam đề ký kết và thực hiện các thỏa thuận về hợp tác lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; đồng thời kiện toàn bộ máy, cán bộ các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
g) Hoàn thiện các quy định và giải pháp quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp từ khâu tuyển chọn, đào tạo và giáo dục định hướng cho người lao động trước khi làm việc ở nước ngoài, đến khâu quản lý lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Công an và chính quyền các địa phương phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhằm ngăn chặn các tiêu cực và các hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động.
h) Ban hành các quy định và hình thức công khai hóa các thông tin liên quan đến công tác xuất khẩu lao động (cơ chế, chính sách, danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động, số lượng lao động cần tuyển, tiêu chuẩn tuyển lao động, các loại phí, chế độ đào tạo, chế độ lao động và thu nhập của người lao động khi làm việc ở nước ngoài …) để mọi người biết, thực hiện và kiểm tra.
i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương khẩn trương xây dựng Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2015”, trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Đồng ý về chủ trương với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đầu tư 3 Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động tại ba vùng (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) từ nguồn kinh phí về hợp tác lao động còn lại, nguồn hợp tác quốc tế và nguồn ngân sách cấp. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối với với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để triển khai thực hiện.
4. Trong nửa cuối tháng 12 năm 2008, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác việc làm và xuất khẩu lao động trong thời gian vừa qua, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách để làm tốt hơn nữa công tác này trong những năm tới, đồng thời xây dựng kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |