Thông báo 325/TB-VPCP năm 2018 về kết luận Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”
Số hiệu: | 325/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 29/08/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 325/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018 |
Ngày 08 tháng 8 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, cùng dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Ủy ban: Kinh tế, Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương Đảng; đại diện Lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Bình Dương, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Phước, Long An, Đồng Nai; các ngân hàng Thương mại cổ phần: Ngoại thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương Việt Nam; các hội, hiệp hội, làng nghề chế biến gỗ và gần 500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; một số đơn vị báo, đài và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Báo cáo tổng quan về ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, ý kiến của các đại biểu đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp Việt Nam chiếm ¾ diện tích cả nước là dư địa rất lớn để chúng ta tập trung đầu tư, phát triển kinh tế bền vững. Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, lần đầu tiên tổ chức trên phạm vi toàn quốc được chuẩn bị tốt nội dung, định hướng, giải pháp với sự quan tâm tham gia đầy đủ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu khoa học và nhiều tổ chức quốc tế. Báo cáo tổng quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị là rất sâu sắc, trách nhiệm, làm rõ trọng tâm và chủ đề của Hội nghị.
1. Về kết quả đạt được
- Độ che phủ rừng năm 2018 cả nước đạt 41,45%, trong khi bình quân của Thế giới chỉ đạt 29%, đây là những cố gắng lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Rừng đã đem lại nhiều lợi ích hết sức to lớn cả về kinh tế và môi trường.
- Gỗ và lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua; tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017. Năm 2017 là năm thành công với ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD; riêng sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020.
- Gỗ và lâm sản của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; với 5 thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu; chiếm khoảng 6% thị trường đồ gỗ toàn cầu và đang còn nhiều dư địa phát triển.
- Với hơn 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và hàng triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp từ nguyên liệu rừng trồng, góp phần thúc đẩy phát triển rừng, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân, nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp.
Kết quả đạt được nêu trên là rất có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, môi trường, nhân văn. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu đạt được, đồng thời biểu dương nhân dân tham gia trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, những người công tác trong ngành lâm nghiệp đã có đóng góp sức vào thành tựu của cả nước.
2. Tồn tại, thách thức chủ yếu:
- Nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp còn hạn chế (quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán với 2 triệu hộ gia đình; phần lớn gỗ đường kính nhỏ, non, chất lượng không đồng đều; nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chiếm tỷ trọng nhỏ...), tỷ lệ gỗ khai thác từ rừng trồng chỉ có thể để sản xuất sản phẩm giá trị thấp (dăm gỗ) còn lớn.
- Mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường chưa chặt chẽ (liên kết chuỗi chưa phổ biến; doanh nghiệp chưa hỗ trợ hiệu quả về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho người dân; cam kết giữa doanh nghiệp và người dân lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao...).
- Công nghệ trồng rừng, chế biến và năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế (trồng, khai thác nguyên liệu vẫn chủ yếu là thủ công; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, quản trị hiện đại còn ít, hiện khoảng 3.000 doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý hiệu quả thấp...).
- Thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức; việc xuất khẩu phải thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận thấp; cùng với đó, nhiều mặt hàng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được với chất lượng tốt mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh được ngay cả trên thị trường trong nước. Đặc biệt, một số lâm sản giá trị kinh tế cao (như Sâm Ngọc Linh, Quế, Hồi, Sa nhân, Thảo quả...) chúng ta mới xuất khẩu được rất ít, chủ yếu do chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu uy tín với thị trường nước ngoài.
- Hạ tầng lâm sinh chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến chi phí vận chuyển nguyên liệu rất cao, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; chính sách thuế, phí, tín dụng, tập trung đất đai, quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch rừng còn nhiều bất cập; các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
- Thực thi pháp luật, kỷ cương quản lý về bảo vệ, phát triển rừng còn bất cập; những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng tự nhiên trái pháp luật chưa được xử lý nghiêm minh; việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp chậm, nhiều vướng mắc; tranh chấp đất lâm nghiệp ở một số địa phương còn gay gắt và chưa được xử lý dứt điểm.
II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Quan điểm
Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiệu quả. Phấn đấu sớm trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới, khu vực.
2. Định hướng
Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
3. Mục tiêu:
Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đến năm 2025: Phấn đấu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; đến năm 2025 phấn đấu đạt 18 đến 20 tỷ USD.
4. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
a) Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017; trong đó chú ý điểm mới rất quan trọng là: coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
- Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn cho ngành chế biến gỗ, lâm sản.
b) Khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt để tăng giá trị gia tăng làm động lực tăng trưởng của ngành này trong thập niên tới.
c) Đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng nguyên liệu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.
d) Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Chú trọng kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo: Đại học, Trung cấp, Công nhân kỹ thuật phù hợp với sự đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
đ) Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, đặc biệt chú trọng giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
e) Làm tốt công tác thị trường, triển khai và tổ chức thực hiện tốt các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chú trọng hơn nữa công tác thị trường trong nước.
g) Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, về tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành chế biến gỗ.
Đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước tiên phong trong việc sử dụng đồ gỗ nội thất văn phòng từ các sản phẩm gỗ rừng trồng trong nước do các doanh nghiệp Việt Nam chế biến để thúc đẩy thị trường gỗ nội địa.
h) Đối với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu:
- Đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để hạn chế ảnh hưởng về các biện pháp kỹ thuật của các quốc gia đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
- Cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, quản trị, tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng trong nước và xuất khẩu (đặc biệt lưu ý không để mất thị trường trong nước gần 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng vào tay các đối tác bên ngoài). Là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, tích cực nghiên cứu thị trường, luật lệ quốc tế, phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra, kiên quyết “nói không” với sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.
i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong Quý III năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |