Thông báo số 322/TB-VPCP về việc ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp làm việc với Bộ Công thương ngày 20 tháng 11 năm 2008
Số hiệu: 322/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 26/11/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 06/12/2008 Số công báo: Từ số 630 đến số 631
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 322/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2008

Ngày 20 tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Công thương để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2008 và dự kiến kế hoạch năm 2009 của ngành công thương. Tham dự cuộc họp có đồng chí Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công thương và đại diện Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương, ý kiến phát biểu của các đồng chí Thứ trưởng và một số Tập đoàn, Tổng công ty, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến như sau:

1. Năm 2008 là năm tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường. Từ đầu năm giá cả vật tư hàng hóa gia tăng, kéo theo lạm phát tăng cao, dẫn đến khủng hoảng tài chính ở nhiều nước và nay đã xuất hiện tình trạng suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế lớn, gây tác động mạnh đến một số cân đối vĩ mô của nền kinh tế nước ta.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã chủ động điều hành quyết liệt và nền kinh tế đã vượt qua những thách thức ban đầu: lạm phát được kiềm chế; các cân đối vĩ mô được kiểm soát ổn định; xuất khẩu gia tăng, nhập siêu giảm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán; các chính sách tài chính - tiền tệ (tín dụng, lãi suất, tỷ giá và thuế các loại…) được điều hành linh hoạt, góp phần duy trì được sản xuất trong những tháng cuối năm, bảo đảm tăng trưởng GDP và an sinh xã hội ổn định.

Đạt được những kết quả bước đầu nêu trên là nhờ có đóng góp to lớn của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành công thương, của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc ngành, với những kết quả nổi bật là: so với năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,8%; thị trường trong nước phát triển, giá cả và cân đối các vật tư chủ yếu cho sản xuất - tiêu dùng được kiểm soát ổn định; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và đầu cơ hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ; xuất khẩu tăng thêm trên 30%, nhập siêu giảm mạnh, góp phần quan trọng tiêu thụ hàng hóa của các ngành sản xuất và cải thiện cán cân thanh toán.

Những kết quả nêu trên của ngành công thương được Chính phủ đánh giá cao; Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

2. Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc ngành phải thấy rõ hết được những khó khăn và những tác động trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đối với đơn vị mình; phải phát huy mọi nguồn lực, lợi thế, cơ hội của ngành để góp phần cùng các ngành khác thực hiện được nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2009 vừa được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua với yêu cầu: tiếp tục kiểm soát, giữ ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô; không để xảy ra tái lạm phát; ngăn chặn suy giảm kinh tế; phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; giữ ổn định an sinh xã hội, nhằm tạo thế và lực mới cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010.

Bên cạnh việc tập trung tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ trong năm 2008, ngành công thương cần chú trọng chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt những nội dung công việc sau:

- Về sản xuất công nghiệp: Bộ trưởng Bộ Công thương cùng lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty ngành hàng phải tính toán, cân nhắc, áp dụng các biện pháp cụ thể để tiếp tục duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời tận dụng cơ hội và điều kiện có được để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất, nhằm giải quyết việc làm, kích cầu tạo sức mua trong nước, tạo thời cơ phát triển cho các ngành hàng có sức cạnh tranh, giữ được mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp không thấp hơn năm 2008;

- Về thương mại: phải chủ động hơn việc đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước gắn với phát triển thị trường xuất khẩu, nhất là ở những khu vực ít bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở mọi cấp. Từng Tập đoàn, Tổng công ty phải tự rà soát lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy mạnh đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa với phương thức thích hợp, linh hoạt để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2009 là 13%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với ngành công thương mà đối với cả nền kinh tế vì tăng trưởng xuất khẩu cao sẽ mở rộng đầu ra cho sản xuất và tạo động lực để kích thích đầu tư trong nước, đồng thời là giải pháp có hiệu quả nhất để thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại;

- Về công tác quản lý thị trường: phải tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; tăng cường kiểm soát giá cả, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh trái pháp luật; bảo đảm cân đối các vật tư chủ yếu cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Công thương cần chỉ đạo sát để huy động và phát huy được vai trò nòng cốt, chủ đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 nhất là việc thực hiện mục tiêu về xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu và nâng cao giá trị sản xuất mà Quốc hội đã thông qua. Bộ cần chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý, tháo gỡ kịp thời cho các Tập đoàn, Tổng công ty; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

3. Về một số đề nghị cụ thể của Bộ Công thương và các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ:

- Về sửa đổi chính sách đất đai đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa: việc này Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung cụ thể để báo cáo Chính phủ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vào đầu quý I năm 2009;

- Về khung pháp lý hoạt động và quản lý mô hình tập đoàn kinh tế: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chuẩn bị, báo cáo Chính phủ vào cuối năm 2008;

- Về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức các đơn vị trong Bộ Công thương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành: Bộ Công thương cần xây dựng đề án cụ thể để báo cáo thường trực Chính phủ; Bộ Công thương và cơ quan chủ trì biên soạn Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần nghiên cứu, nêu rõ các yêu cầu, nội dung quản lý nhà nước trong Luật, việc phân công quản lý và tổ chức bộ máy cụ thể của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật của Chính phủ;

Đồng ý về nguyên tắc việc tăng cường biên chế cho lực lượng quản lý thị trường ở một số địa phương, Bộ Công thương làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về việc cắt giảm lãi suất cho vay sản xuất - xuất khẩu; miễn giảm thuế nguyên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào sản xuất; việc dãn nợ, dãn thời gian nộp thuế doanh nghiệp; việc lui thời hạn áp dụng các sắc thuế mới trong năm 2009: những nội dung này đang là hướng điều hành của Chính phủ để hỗ trợ sản xuất trong các năm 2008 - 2009. Bộ Công thương cần báo cáo cụ thể trong tháng 12 năm 2008 để Chính phủ có phương án xử lý;

- Về việc cho phép Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xuất khẩu số than nhiệt lượng thấp đang tồn đọng theo đường biên mậu: giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn bàn với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tổng cục Hải quan để có phương án cụ thể, bảo đảm không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu lậu than; báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải quyết cụ thể.

- Về việc đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng công ty: đồng ý việc Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tập đoàn và Tổng công ty chủ động đi công tác nước ngoài trên cơ sở văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ; sau khi kết thúc chuyến đi công tác, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chuyến công tác.

Một số nội dung khác, Bộ Công thương cần có báo cáo và đề xuất phương án xử lý cụ thể.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo các cơ quan liên quan biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.