Thông báo 316/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại hội nghị “Thực trạng và chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong công nhân, viên chức lao động”
Số hiệu: | 316/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 02/11/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 316/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ “THỰC TRẠNG VÀ CHÍNH SÁCH VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TRONG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG”
Ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2009, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì hội nghị “Thực trạng và chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong công nhân, viên chức lao động”. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành viên Ủy ban quốc gia, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các thành viên Ủy ban Quốc gia; tham dự hội nghị này còn có Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cả nước và đại diện một số tổ chức quốc tế.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ: Công an, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; ý kiến tham luận của một số doanh nghiệp và đại biểu quốc tế, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
1. Từ đầu năm tới nay, công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm đã đạt được kết quả khả quan: Theo số liệu của 63 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2009, cả nước có 153.682 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, giảm 19.921 người so với cuối năm 2008; số người nhiễm HIV giảm 3.760 người, số chuyển sang giai đoạn AIDS giảm 1.543 người và số người tử vong do AIDS giảm 860 người so với cùng kỳ năm 2008.
Công tác phòng, chống mại dâm cũng có những chuyển biến nhất định.
Đạt được kết quả này chủ yếu là do nhận thức của toàn xã hội về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm đã được nâng lên rõ rệt; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cả cộng đồng tham gia, nhất là công tác phòng, chống ma túy và quản lý sau cai nghiện.
2. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian tới cần phát huy những kết quả đã đạt được, huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của toàn xã hội, trong đó chú trọng sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc phòng, chống ma túy, phòng, chống AIDS trong đội ngũ công nhân, viên chức lao động và việc khuyến khích sử dụng lao động là người sau cai nghiện, người nhiễm HIV…
Trong khoảng 350.000 doanh nghiệp với trên 12,8 triệu lao động trên cả nước hiện nay, đã có những doanh nghiệp, đi đầu, làm tốt việc động viên, chữa trị, dạy nghề, bố trí việc làm ổn định cho người sau cai và người nhiễm HIV như: Công ty cổ phần khai thác than Hà Tu tại Quảng Ninh, cơ sở sản xuất Hoa Phượng đỏ của những người nhiễm HIV tại Hải Phòng, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu,… nhưng nhìn chung vẫn còn quá ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng lao động là người sau cai và người nhiễm HIV.
3. Để khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh trong cả nước tiếp nhận, sử dụng người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV vào làm việc, góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, cần tập trung triển khai một số công việc sau:
a) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện có, nhằm khuyến khích, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dạy nghề và sử dụng lao động là người sau cai và người nhiễm HIV.
b) Bộ Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV; hướng dẫn việc sử dụng kinh phí để tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; báo cáo kết quả lên Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong quý IV năm 2009.
c) Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chương trình phòng, chống HIV tại nơi làm việc đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khẩn trương đề xuất mở rộng địa bàn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và phương án sản xuất methadone trong nước, báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia việc triển khai thực hiện trong quý IV năm 2009.
d) Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, chỉ đạo công đoàn các cấp vận động các doanh nghiệp tích cực triển khai công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, đào tạo nghề và tiếp nhận người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV vào làm việc; động viên, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm theo đúng quy định pháp luật.
đ) Các Doanh nghiệp:
+ Tăng cường trách nhiệm xã hội trong việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm cho công nhân, viên chức lao động; thực hiện cho được môi trường lao động trong sạch, không có ma túy.
+ Tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV; hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình công nhân, viên chức lao động gặp khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
+ Chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình triển khai công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm hiệu quả để vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với cơ quan chức năng theo thẩm quyền.
Định kỳ hàng năm, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức tổng kết đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; thực hiện chế độ khen thưởng, phê bình nhắc nhở đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện ma túy và người nhiễm HIV.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, các Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |