Thông báo 313/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 19 tháng 12 năm 2011
Số hiệu: | 313/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 29/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 313/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 2011
Ngày 19 tháng 12 năm 2011, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, ý kiến phát biểu của các thành viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
I. Kết quả triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2011
1. Kết quả đạt được:
- Năm 2011, hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tổ chức một cách thường xuyên, chỉ đạo kịp thời. Ban chỉ đạo liên ngành các cấp về cơ bản đã được hoàn thiện, tăng cường và hoạt động tích cực hơn. Các Bộ, ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các hoạt động, phối hợp liên ngành chặt chẽ, trong đó có sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan truyền thông: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, đặc biệt sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông trong việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng.
- Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã được chú trọng và hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được tổ chức quyết liệt, thường xuyên và bài bản hơn. Từng bước chủ động trong quản lý an toàn thực phẩm. Công tác truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm được triển khai khá hiệu quả. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên ngành được đẩy mạnh. Tổng số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm đi so với năm 2010.
- Một số đề án trọng điểm đã và đang được xây dựng và triển khai bước đầu đạt kết qủa tốt như: “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm trên cả nước” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Xây dựng và triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm” của Bộ Công Thương; Xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn” tại thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tồn tại:
- Việc xây dựng, ban hành văn bản chưa đáp ứng tiến độ. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn khu công nghiệp chưa giảm, việc kiểm soát các nguyên liệu đầu vào còn gặp khó khăn, nhiều cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn chưa đạt tiêu chuẩn về điều kiện an toàn thực phẩm theo yêu cầu.
- Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đôi lúc còn chồng chéo, xử lý vi phạm còn nương nhẹ ở tuyến huyện, tuyến xã (chủ yếu vẫn là nhắc nhở, cảnh cáo), việc công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa đáp ứng yêu cầu. Vi phạm về quảng cáo thực phẩm, trong đó nhiều quảng cáo thực phẩm chưa được thẩm định nội dung hoặc quảng cáo sai nội dung đã được thẩm định.
- Việc củng cố Ban Chỉ đạo ở địa phương tuy đã cơ bản hoàn thiện, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, vẫn còn khoảng 6% số tỉnh, 12% số huyện và 23,4% số xã mặc dù đã có Ban Chỉ đạo nhưng chưa có hoạt động cụ thể.
- Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2011 được giao chậm so với các năm trước nên có ảnh hưởng tiến độ triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Đầu tư của địa phương cho mạng lưới còn hạn chế, chưa có chính sách hỗ trợ cho cộng tác viên tuyến xã, phường.
II. Một số nhiệm vụ tiếp tục triển khai
1. Bộ Y tế chủ trì:
- Hoàn thiện báo cáo đánh giá công tác phối hợp liên ngành năm 2011, trong đó tổng hợp, bổ sung nội dung đánh giá kết quả hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương (Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), các đoàn thể (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam); sự tham gia của lực lượng công an (cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông), thông qua tại cuộc họp Ban Chỉ đạo kỳ tới.
- Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp, hoàn thiện dự thảo Công điện về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 12 năm 2011.
- Phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012 vào ngày 06 tháng 01 năm 2012 với chủ đề tập trung vào đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội.
- Chuẩn bị nội dung họp trực tuyến với các địa phương vào cuối tháng 2 năm 2012 với các nội dung: tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2011, kế hoạc năm 2012; sơ kết Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2012.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá, xếp loại Kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các địa phương theo bộ tiêu chí đã được ban hành.
- Tiếp tục thực hiện chuyên đề “tình hình sử dụng phụ gia thực phẩm và biện pháp kiểm soát”, phối hợp với Bộ Công Thương đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu để kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, báo cáo Ban Chỉ đạo vào kỳ họp tới.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm, yêu cầu các địa phương phải xây dựng các đề án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, sớm chấm dứt tình trạng nhiều địa phương không có quy hoạch như hiện nay. Hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc xây dựng đề án trước ngày 30 tháng 6 năm 2012; có giải pháp quyết liệt để đến cuối năm 2012, số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát an toàn thực phẩm đạt 25% ở các tỉnh khu vực phía Bắc và đạt 75% ở các tỉnh khu vực phía Nam.
3. Bộ Công Thương:
- Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm việc triển khai đề án chợ an toàn thực phẩm trước ngày 30 tháng 6 năm 2012; đôn đốc các địa phương còn lại hoàn thiện Đề án xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm trước tháng 9 năm 2012. Xây dựng cơ chế và hỗ trợ kinh phí để duy trì các mô hình này.
- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chỉ đạo điểm các địa phương thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm, đặc biệt 5 thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có tiềm năng du lịch lớn, các chợ lớn tại các tỉnh có chung đường biên giới với các nước trong khu vực.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015, hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
5. Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế có định hướng cho cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về an toàn thực phẩm để tạo cơ sở, niềm tin cho người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm.
6. Bộ Công an:
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tiếp tục xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; phối hợp với cảnh sát giao thông trong việc ngăn chặn, bắt giữ các vi phạm về vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn.
7. Đài Truyền hình Việt Nam:
Xây dựng và phát sóng trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 03 phóng sự về kết quả thực hiện “Mô hình chuỗi thực phẩm an toàn”, “Chợ thực phẩm an toàn” và “Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm”.
8. Hội Nông dân Việt Nam:
Tham gia cùng Bộ Y tế và các Bộ ngành chức năng trong các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, với các nội dung trọng tâm: bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn khu công nghiệp, Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm.
9. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:
10. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Hoàn thiện và trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt Đề án “Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại tất cả các quận, thị xã và thị trấn của các huyện thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015”.
- Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân thành phố Đề án về chuỗi thực phẩm an toàn tại Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Bộ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |