Thông báo 306/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP
Số hiệu: | 306/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Quang Thắng |
Ngày ban hành: | 31/07/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Hình sự, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 306/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 138/CP TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2014 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2014 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 138/CP
Ngày 22 tháng 7 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Thành viên Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo 138/CP.
Sau khi nghe đồng chí Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người 6 tháng đầu năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và ý kiến tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Về tình hình và kết quả công tác
Sáu tháng đầu năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các địa phương, công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 72,25%; số vụ phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra và số đối tượng truy nã bị bắt, ra đầu thú tăng hơn (điều tra khám phá trên 22 nghìn vụ tội phạm hình sự, đạt 75,58%, triệt phá 1.469 băng ổ nhóm tội phạm các loại); công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, việc xây dựng, tuyên truyền pháp luật và hợp tác quốc tế được tăng cường. Việc chấp hành pháp luật trong điều tra và chất lượng điều tra, xử lý tội phạm đạt cao hơn; các mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm có hiệu quả ở cơ sở được nhân rộng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được nâng lên.
2. Về tồn tại, hạn chế
Công tác nắm tình hình, tham mưu và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự phát hiện tình hình chưa kịp thời, xử lý còn bị động, lúng túng.
Hiệu quả phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, phạm pháp hình sự vẫn tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2013. Toàn quốc hiện còn 615 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” chưa được triệt phá; tội phạm tham nhũng, buôn lậu, sử dụng công nghệ cao, ma túy còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng người ngay sợ kẻ gian. Tỷ lệ điều tra khám phá án, xử lý tin báo, tố giác tội phạm ở một số đơn vị, địa phương còn thấp. Quy chế thông tin, báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ, chế độ trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương chưa cụ thể, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống tội phạm.
3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Bên cạnh tác động, ảnh hưởng của khách quan, nguyên nhân chủ quan chủ yếu do nhận thức về nhiệm vụ phòng, chống tội phạm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ, chỉ đạo chưa quyết liệt. Còn có biểu hiện cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu kiên quyết, dung túng, bao che tội phạm; việc xử lý tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm chưa kịp thời, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên, các đối tượng dễ phạm tội, một bộ phận người dân suy thoái, xuống cấp về đạo đức, coi thường pháp luật. Công tác tham mưu và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa đáp ứng yêu cầu, kinh phí bị cắt giảm nhiều gây khó khăn, lúng túng trong công tác phòng, chống tội phạm...
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Để giữ vững an ninh, trật tự, xây dựng xã hội an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân, từ nay đến hết năm 2014 và thời gian tiếp theo, các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp chặn đứng sự gia tăng để kéo giảm tội phạm; xóa hết các băng nhóm tội phạm đang, đã phát hiện (615), làm ổn định tình hình ở 18 địa phương trọng điểm về tội phạm. Nâng cao tỷ lệ xử lý tin báo, tố giác tội phạm đạt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra (trên 90%); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm trên 70%, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên 90%. Không để xảy ra tình trạng oan sai, không hình sự hóa các vụ việc dân sự; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra đối với công tác phòng, chống tội phạm. Cụ thể là:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, nhất là đối với toàn bộ lực lượng phòng, chống tội phạm về nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trong tình hình mới để tham mưu, quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu quả các chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm. Nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trước hết là thủ trưởng Công an phải chịu trách nhiệm.
- Đánh giá lại mô hình, nhân rộng những điển hình tốt trong công tác phòng, chống tội phạm; rà soát kiến nghị, bổ sung những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm thuộc Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án.... Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm do nguyên nhân xã hội.
- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2015 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Bộ Công an nghiên cứu củng cố và hoàn thiện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP để nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng thống nhất chế độ thông tin, báo cáo theo chỉ tiêu, tiêu chí tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội lên Ban Chỉ đạo 138/CP về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là đợt cao điểm trước, trong, sau Tết nguyên đán Ất Mùi (2015). Tăng cường đấu tranh, trấn áp, kiên quyết không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, tội phạm hoạt động lộng hành; tập trung rà soát, triệt xóa các băng ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đâm thuê, chém mướn, chống người thi hành công vụ, tội phạm công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người.
- Nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan và Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP biết, phối hợp thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |