Thông báo 295/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2006 - 2011 và triển khai giai đoạn 2012 - 2020 của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển
Số hiệu: | 295/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 17/08/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 295/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT GIAI ĐOẠN 2006 - 2011 VÀ TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020 CỦA ĐỀ ÁN TỔNG THỂ VỀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN VÀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG BIỂN
Ngày 25 tháng 6 năm 2012, tại Thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển đã chủ trì Hội nghị Tổng kết giai đoạn 2006 - 2011 và triển khai giai đoạn 2012 - 2020 của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển (gọi tắt là Đề án tổng thể). Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương có biển, các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể, các nhà khoa học và nhà quản lý liên quan.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết giai đoạn 2006 - 2011 và triển khai giai đoạn 2012 - 2020 của Đề án tổng thể do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày; các báo cáo tham luận của đại diện các bộ, ngành liên quan và các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển là đề án lớn, có ý nghĩa quan trọng, với sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ, ngành và các địa phương ven biển. Sau 5 năm triển khai thực hiện (2006 - 2011), đã có 18/20 dự án về cơ bản hoàn thành khối lượng, công việc; một số dự án đã nghiệm thu hoặc đang tiến hành nghiệm thu tổng kết.
Kết thúc giai đoạn I, Đề án tổng thể đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên biển; đã có phát hiện mới về các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản đáy biển. Các nhiệm vụ, dự án đã huy động và sử dụng năng lực trang thiết bị điều tra, nghiên cứu biển hiện có, nguồn nhân lực có trình độ cao ở các cơ quan, đơn vị trong cả nước phục vụ cho công tác điều tra cơ bản; từng bước nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng mục tiêu của Đề án tổng thể. Đặc biệt, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về tài nguyên - môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2006 - 2011, quá trình triển khai thực hiện Đề án còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém sau đây:
- Việc triển khai các dự án đều chậm và thiếu đồng bộ; hiệu quả của một số dự án chưa rõ nét; phần lớn các dự án mới chỉ tập trung điều tra ở vùng biển gần bờ, chậm triển khai các dự án điều tra vùng biển xa bờ và đối tượng nghiên cứu mới (khoáng sản biển sâu, khí hydrate);
- Phối hợp liên ngành còn yếu, vai trò hướng dẫn, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ điều tra của các Bộ, ngành có dự án và đơn vị chủ trì còn lúng túng, thiếu quyết liệt; tỷ lệ giải ngân đạt thấp (67%) so với kế hoạch ban đầu;
- Mục tiêu đề ra lớn nhưng trang thiết bị điều tra còn lạc hậu nên chất lượng, hiệu quả khoa học của một số dự án chưa cao;
- Việc sử dụng, tham khảo số liệu, trao đổi thông tin, kết quả điều tra giữa các dự án còn rất hạn chế; làm giảm hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.
3. Giai đoạn tới (2012 - 2020), công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển cần được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, góp phần triển khai có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, trọng tâm là:
a) Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước, phân công nhiệm vụ rõ ràng, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các thành viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát và điều chỉnh các nhiệm vụ, dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo chất lượng; và hiệu quả của các dự án.
b) Đánh giá, rà soát hiệu quả của các dự án, nhiệm vụ đã kết thúc ở giai đoạn 2006 - 2011 để rút kinh nghiệm thực hiện ở giai đoạn 2012 - 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 03/6/2010 và Công văn số 507/TTg-KGVX ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2012.
c) Đối với các nhiệm vụ, dự án mới của giai đoạn 2012 - 2020, phải rà soát cụ thể, chặt chẽ, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án để lựa chọn các dự án sát hợp, bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo; có lộ trình ưu tiên các dự án cấp bách, chú trọng; đầu tư phù hợp các phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển xa bờ (nhất là vùng biển thuộc 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa) và các loại hình tài nguyên mới, góp phần phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm lựa chọn, lập Danh mục các nhiệm vụ, dự án giai đoạn 2012 - 2020, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. phê duyệt.
d) Các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo nhằm triển khai một cách có hiệu quả các dự án do mình chủ trì; phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước trong việc triển khai, thực hiện dự án nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung của Đề án.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước tập trung kiểm tra, giám sát, chú trọng công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng các dự án; rà soát các quy định hiện hành, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh các thủ tục trong phê duyệt, thẩm định dự án, bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả.
đ) Nhằm nâng cao giá trị thực tiễn và hiệu quả đầu tư của các dự án, hàng năm, các cơ quan chủ trì và các chủ dự án chuyển giao kết quả điều tra về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước để cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về tài nguyên - môi trường biển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có độ tin cậy cao nhằm chia sẻ thông tin phục vụ các Bộ, ngành khai thác, sử dụng kịp thời các kết quả của các dự án.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 796/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Khối nhà hiệu bộ và giảng đường chính Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Ban hành: 11/05/2016 | Cập nhật: 13/05/2016
Quyết định 796/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” Ban hành: 03/06/2010 | Cập nhật: 09/06/2010
Quyết định 796/QĐ-TTg năm 2002 về việc thay đổi Trưởng ban và phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa Ban hành: 17/09/2002 | Cập nhật: 10/11/2007