Thông báo 292/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, nhiệm vụ chủ yếu năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015
Số hiệu: | 292/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 30/11/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 292/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2011, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2012 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011 - 2015
Ngày 18 tháng 11 năm 2011, tại Hà Hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, nhiệm vụ chủ yếu năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Bộ và ý kiến của các Bộ liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ đã khẩn trương ổn định tổ chức, xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời các chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, đo đạc và bản đồ, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo; đã góp phần quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ từng bước được tăng cường, cải cách thủ tục hành chính được chú trọng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu trực tuyến với doanh nghiệp và người dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý của ngành tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Bộ đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong xử lý những vấn đề lớn mang tính chiến lược như biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp quản lý giám sát, tình hình hoạt động và đánh giá tài nguyên, môi trường nước; theo dõi chặt chẽ, kịp thời đánh giá tác động của việc xây dựng bậc thang của thủy điện trên sông Mê Kông tới đồng bằng sông Cửu Long; từng bước nâng cao chất lượng công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng tránh thiên tai; làm tốt công tác viễn thám và giám sát nguồn nước sông xuyên biên giới.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động của ngành còn một số hạn chế, bất cập. Chất lượng tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, xây dựng các quy hoạch chất lượng chưa cao; kết quả điều tra cơ bản tài nguyên đạt thấp, tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội và môi trường; tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch vẫn tồn tại, còn xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện; một số chỉ tiêu môi trường chưa đạt kế hoạch đề ra; tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng nhưng chậm được khắc phục; quản lý tổng hợp tài nguyên biển còn nhiều hạn chế; năng lực cán bộ của ngành còn yếu, nhất là ở cơ sở.
2. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung thực hiện tốt những chủ trương, định hướng của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chương trình cải cách hành chính, khẩn trương nghiên cứu phân cấp, hoàn thiện các chức năng quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thống nhất chỉ tiêu đất lúa trước khi thực hiện phân bổ chỉ tiêu các loại đất cho địa phương để lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp tỉnh trình Chính phủ xét duyệt.
Tập trung xây dựng, triển khai các văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước khi được Quốc hội thông qua; phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trong việc vận hành điều tiết liên hồ chứa; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện dự án giám sát mực nước hồ chứa phục vụ phòng chống thiên tai; khẩn trương đánh giá tác động của các đập thủy điện trên sông Mê Kông đến đồng bằng sông Cửu Long.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ, xây dựng và triển khai Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghệ khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về môi trường, cần đánh giá hiệu quả của Ban Chỉ đạo lưu vực sông trong thời gian qua, đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình hiện nay; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá môi trường từng ngành, từng lĩnh vực; tập trung đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa và tài trợ quốc tế cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nghiên cứu đề xuất phương án giám sát môi trường (phương tiện thiết bị, đào tạo nhân lực) đối với các nhà máy điện hạt nhân.
Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn và hiện đại hóa công nghệ dự báo; hoàn thành Chương trình hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục nghiên cứu cập nhật kịch bản mới về biến đổi khí hậu, triển khai ngay các dự án cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động thống nhất với các nhà tài trợ đưa ra mẫu hướng dẫn các địa phương, các Bộ, ngành chuẩn bị dự án.
3. Về một số kiến nghị cụ thể
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc đầu tư cho công tác nghiên cứu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường, phân kỳ điều tra địa chất khoáng sản cho từng giai đoạn, tận dụng trang thiết bị đã có, căn cứ vào nhu cầu thực tế bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản và thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản; trong đó ưu tiên các dự án đầu tư máy móc thiết bị, tàu nghiên cứu biển, hệ thống rada biển, điều tra địa chất trên đất liền, trên biển và điều tra, đánh giá khoáng sản dưới sâu.
b) Nhất trí kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư hằng năm cho hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp để duy trì hoạt động của hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; đầu tư cho công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai; bố trí kinh phí từ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho một số dự án cấp bách như: đê biển, đê sông, xử lý ngập lụt tại thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, an toàn hồ chứa, trồng rừng phòng hộ ngập mặn…
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các dự án: xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thí điểm việc kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; thí điểm xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc, thống kê chi tiết hiện trạng sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh; đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và giám sát tài nguyên và môi trường của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các đề án phục vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
d) Về đề nghị tăng tỷ lệ chi sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2% tổng chi ngân sách nhà nước, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6510/VPCP-KGVX ngày 19 tháng 9 năm 2011, trước mắt giữ nguyên tỷ lệ như hiện nay để đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Bộ Tài chính về việc bổ sung nhiệm vụ chi “Đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường, công trình xử lý môi trường thuộc khu vực công ích” trong nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; tách nội dung chi thường xuyên các hoạt động sự nghiệp môi trường do các cơ quan Trung ương, địa phương quản lý thành một nội dung riêng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Bộ đang quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trụ sở của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Công văn 6510/VPCP-KGVX báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề Ban hành: 19/09/2011 | Cập nhật: 24/09/2011
Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Sở hữu nhà nước Ban hành: 19/01/2007 | Cập nhật: 31/01/2007