Thông báo 291/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp xem xét về thỏa thuận khung chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện quỳnh lập I, công suất 600 MW
Số hiệu: | 291/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 02/11/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP XEM XÉT VỀ THỎA THUẬN KHUNG CHẾ TẠO THIẾT BỊ NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN QUỲNH LẬP I, CÔNG SUẤT 600 MW
Ngày 22 tháng 10 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chủ trì họp xem xét về thỏa thuận khung chế tạo thiết bị Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, công suất 600 MW. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Viện nghiên cứu Cơ khí (Narime) và Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc).
Sau khi nghe báo cáo của Viện Nghiên cứu cơ khí, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Doosan, ý kiến phát biểu của các Bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai dự án khoa học “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị Nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy 600 MW”, địa chỉ áp dụng Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư và đồng ý về nguyên tắc Liên danh Tổ hợp các nhà thầu EPC gồm: Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam do Tập đoàn Doosan làm điều phối chính, chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án. Từ khi Liên danh được thành lập, các Bên đã tích cực phối hợp làm việc, đã xây dựng được Thỏa thuận khung, Kế hoạch chuyển giao công nghệ (một phần của Thỏa thuận khung), đã khảo sát một số đơn vị cơ khí trong nước có khả năng chế tạo, sản xuất thiết bị cung cấp cho Nhà máy; quan hệ chặt chẽ với Chủ đầu tư trong quá trình triển khai những công việc nêu trên. Tuy nhiên, việc triển khai các công việc của Liên danh còn chậm so với yêu cầu; xây dựng Thỏa thuận khung, Kế hoạch chuyển giao công nghệ chưa cụ thể, chi tiết, chưa ban hành danh mục cụ thể các loại thiết bị và đơn vị sản xuất.
Để đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I hoạt động vào sau năm 2015, theo chương trình nội địa hóa còn rất nhiều việc phải làm, yêu cầu các Bộ, Chủ đầu tư và Liên danh nhà thầu EPC tích cực triển khai các công việc sau đây:
1. Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I sớm hoàn thành Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Hồ sơ mời thầu, xây dựng tiến độ cụ thể cho từng giai đoạn triển khai dự án, để Liên danh nhà thầu EPC có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm tiến độ tháng 10 năm 2011 ký hợp đồng EPC và khởi công công trình. Làm việc với Tập đoàn Doosan về việc thu xếp nguồn vốn tín dụng xuất khẩu cho toàn bộ gói thầu EPC của Dự án.
2. Liên danh nhà thầu EPC do Doosan đứng đầu cần xây dựng kế hoạch chuyển giao thiết kế, công nghệ, phân công công việc thật cụ thể, chi tiết cho các bên và lập danh mục cho từng đơn vị cụ thể cung cấp thiết bị cho nhà máy.
3. Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất cơ khí trong nước đã cung cấp cho Nhà máy xi măng Quang Sơn, đồng thời huy động các đơn vị sản xuất cơ khí trong nước có năng lực giới thiệu cho Chủ đầu tư và nhà thầu EPC để tham gia cung cấp thiết bị cho Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí bổ sung vốn từ ngân sách nhà nước cho dự án khoa học công nghệ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than công suất đến 600 MW”, có cơ chế thuận lợi nhất để sớm cấp vốn cho dự án.
Trong quá trình triển khai dự án nêu trên, nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |