Thông báo số 291/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Số hiệu: | 291/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Viết Muôn |
Ngày ban hành: | 14/10/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Ngày 10 tháng 10 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp đánh giá hiện trạng, tìm giải pháp để đối phó và hạn chế những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhằm tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển khi kiềm chế được lạm phát. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ngân hàng: Phát triển Việt Nam, Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long; Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Công thương Việt Nam và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng thương mại và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, chiếm khoảng 96,5% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, hàng năm đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, thu hút khoảng 50% tổng số lao động trong doanh nghiệp và chiếm 17,46% tổng nộp ngân sách. Từ cuối năm 2007, giá cả, lạm phát tăng làm cho chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, tiếp cận tín dụng khó khăn hơn, doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng gặp khó khăn hơn rất nhiều. Cùng với việc đối phó với hậu quả của lạm phát, các DNNVV còn có những khó khăn mang tính cốt lõi, có tính lâu dài như: quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu kém, nguồn nhân lực có chất lượng còn thiếu, việc tiếp cận mặt bằng sản xuất khó, mối liên kết với doanh nghiệp lớn còn hạn chế,..
Từ tháng 6 năm 2008, do đạt được kết quả ban đầu trong thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, bền vững nên tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có chuyển biến tích cực, thị trường tài chính tiền tệ ổn định dần, các ngân hàng thương mại tăng khả năng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các DNNVV đã tích cực tìm ra giải pháp riêng, phù hợp với điều kiện của mình như nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ,… thậm chí có doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, nên đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động. Kết quả kinh doanh của các DNNVV có quan hệ tín dụng với ngân hàng đến tháng 8 năm 2008 tương đối khả quan: 23% số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, 73,2% hoạt động trung bình và 3,8% gặp khó khăn, trong đó 1,42% có khả năng mất vốn; tỷ lệ nợ xấu cho vay các doanh nghiệp này của toàn hệ thống là 3,64%.
2. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới đang lan rộng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp đã đề ra, điều hành linh hoạt để bảo đảm vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án đang dở dang sắp đưa vào hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính,… Nhằm tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DNNVV trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, yêu cầu:
a. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại giành một phần vốn tín dụng cho các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, sử dụng nhiều lao động, tham gia vào các công trình quốc gia quan trọng.
b. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Tổ chức theo dõi tình hình hoạt động của các DNNVV, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá IV/2008; trong đó lưu ý sửa đổi tiêu chí xếp loại DNNVV cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn;
- Hoàn thiện trang tin DNNVV nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách, cũng như các thông tin cần thiết liên quan tới DNNVV; đồng thời đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan xây dựng miền DNNVV trên trang web của mình để cập nhật thường xuyên cơ chế, chính sách, công nghệ,… cũng như những biến động về tình hình kinh tế khu vực và thế giới cho các DNNVV kịp thời nắm bắt và cho giải pháp áp dụng.
- Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và trình độ, kỹ năng của người lao động.
c. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Theo dõi, đánh giá nguồn nhân lực trong các DNNVV nhằm nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách, chương trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp loại này cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.
d. Bộ Tài chính:
- Nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ về thời gian nộp thuế (hoãn, kéo dài) hiện nay của các DNNVV để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này khắc phục được khó khăn trong tiếp cận, trả nợ và bổ sung vốn cho duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh;
- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu hải quan, thu nộp và hoàn thuế;
- Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thay thế Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 12 năm 2001 về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 115/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 6 năm 2004 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
đ. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá việc hình thành và phát triển khu, cụm cho công nghiệp nhỏ và vừa, việc sử dụng đất của DNNVV.
e. Bộ Khoa học và Công nghệ:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, để các DNNVV tiếp cận với thông tin và triển khai việc đổi mới công nghệ.
g. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Đẩy mạnh việc xúc tiến phát triển DNNVV, nâng cao khả năng kết nối với các doanh nghiệp khác ở trong nước lẫn ngoài nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 115/2004/QĐ-TTg sửa đổi Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định 193/2001/QĐ-TTg Ban hành: 25/06/2004 | Cập nhật: 26/12/2009
Quyết định 193/2001/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Ban hành: 20/12/2001 | Cập nhật: 07/12/2012
Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Ban hành: 23/11/2001 | Cập nhật: 09/12/2009