Thông báo số 288/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nền kinh tế nước ta
Số hiệu: | 288/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 03/10/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 288/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NHẰM HẠN CHẾ NHỮNG TÁC ĐỘNG XẤU CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH HIỆN NAY ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ NƯỚC TA
Ngày 01 tháng 10 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp để nghe các cơ quan chức năng báo cáo đánh giá những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đối với nền kinh tế nước ta và những biện pháp nhằm hạn chế tác động xấu của cuộc khủng hoảng. Cùng họp với Thủ tướng có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Về cơ bản đồng ý với đánh giá, dự báo về tác động và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính ở Mỹ đối với nước ta và những giải pháp đề xuất của các Bộ, ngành nhằm hạn chế tác động xấu của khủng hoảng đối với nền kinh tế nước ta. Cuộc khủng hoảng về tài chính ở Mỹ hiện nay không những làm cho kinh tế của Mỹ bị suy giảm mà còn ảnh hưởng xấu đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có kinh tế nước ta. Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng đến kinh tế nước ta cho tới thời điểm hiện nay là chưa có, nhưng có tác động gián tiếp ở mức độ không lớn, không nhiều tới các lĩnh vực hoạt động: tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để chủ động phòng tránh, nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng; đồng thời, tranh thủ thời cơ phát triển nội lực, tận dụng tốt hơn ngoại lực nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra, các Bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện tốt một số biện pháp như sau:
1. Tổ chức thực hiện kiên quyết có kết quả 8 nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và các biện pháp điều hành vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong năm 2008 (Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ, văn bản số 970/TTg-KTTH ngày 25/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
- Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng cần phải điều hành linh hoạt, nhằm bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, có chính sách hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại có điều kiện huy động nguồn vốn, tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đối với các lĩnh vực, những ngành và sản phẩm, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá, sử dụng dự trữ ngoại hối một cách linh hoạt, hiệu quả theo hướng khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu, bảo đảm thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung của Quyết định số 390/QĐ-TTG ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ kiềm chế lạm phát; kiên quyết thực hiện điều chỉnh và cắt giảm đầu tư công, nhất là của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước; giảm hơn nữa bội chi ngân sách, cơ cấu lại danh mục đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để xử lý một trong những nguyên nhân gốc của lạm phát mang tính cơ cấu của nước ta, nhằm tập trung nguồn lực xử lý những phát sinh bất ổn trong nền kinh tế và ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế hiệu quả cao hơn.
2. Các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức tốt việc theo dõi, đánh giá tình hình thị trường tài chính Mỹ và thế giới, xác định cho được những tác động và mức độ ảnh hưởng tới từng lĩnh vực, để chủ động kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp hoặc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý cụ thể, thích hợp thuộc lĩnh vực được giao nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Việt Nam.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính chỉ đạo và yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế rà soát ngay các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài cũng như các khoản vay của các tổ chức này, từ đó thực hiện biện pháp cần thiết thích hợp như: cơ cấu lại danh mục đầu tư, rút vốn...(đối với các khoản cho vay, đầu tư) nhằm đảm bảo tính thanh khoản; trả nợ trước hạn, bảo hiểm lãi suất (đối với các khoản đi vay) để giảm thiểu nguy cơ mất vốn hoặc tăng chi phí do tổ chức tài chính nước ngoài bị phá sản, do lãi suất trên thị trường quốc tế tăng cao,v,v... ;đồng thời, rà soát hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thông báo cho Bộ Ngoại giao danh sách và mức độ cam kết của các ngân hàng này để Bộ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu, đánh giá và kịp thời thông tin về tình hình tài chính, mức độ rủi ro có thể xảy ra liên quan đến các tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại nước ta để chủ động đối phó.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại các khoản cho vay đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, đầu tư đa ngành,v,v...), tăng cường hơn nữa kiểm soát và phòng ngừa rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, hiệu quả những sai sót làm ảnh hưởng đến hoạt động của từng ngân hàng; thực hiện việc đánh giá, xác định thực trạng nợ xấu, mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng để có phương án chủ động khắc phục, bảo đảm an toàn hệ thống; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện quy chế mua bán nợ và thiết lập tổ chức mua bán, xử lý nợ khó đòi cho hệ thống ngân hàng thương mại; sớm xây dựng trình Chính phủ ban hành quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại, phá sản những ngân hàng gặp vấn đề để có căn cứ pháp lý thực hiện chủ trương về cơ cấu lại đối với những ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm lành mạnh, an toàn của hệ thống.
- Bộ Tài chính chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi, giám sát chặt chẽ luồng vốn ra, vào của nhà dầu tư nước ngoài; đồng thời, xử lý những vướng mắc về thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ thị trường này và phát triển thị trường bền vững. Thực hiện rà soát ngay hoạt động của các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư tài chính để đánh giá và xác định tình trạng tài chính hiện nay của từng quỹ và toàn bộ hệ thống, những vấn đề có thể xảy ra, những việc phải xử lý đối với các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư tài chính có vấn đề; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các tiêu chí, điều kiện về cấp phép thành lập và hoạt động đối với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và công ty quản lý quỹ cho phù hợp với tình hình mới.
- Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu rà soát lại việc xuất khẩu, nhập khẩu theo từng nhóm hàng, mặt hàng để có biện pháp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu đi đôi với nâng cao chất lượng để tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu; chủ động trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán về giá cả và tìm kiếm thị trường theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường, chú trọng vào thị trường có tiềm năng, thị trường ở khu vực bị ảnh hưởng của khủng hoảng ít, thị trường truyền thống hoặc thị trường mới (Nga, Trung đông, Mỹ La tinh, Châu Phi); đồng thời, tổ chức tốt thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kể cả khó khăn về vốn vay, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án để sớm đưa công trình vào sử dụng hoặc đình hoãn đối với những dự án, công trình xét thấy chưa thật cần thiết.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo và yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá kỹ việc cho vay trong lĩnh vực bất động sản, xác định cụ thể những dự án, công trình không có hiệu quả và những dự án, công trình có hiệu quả để dừng, có biện pháp quản lý, thu nợ hoặc áp dụng biện pháp thích hợp để tiếp tục cho vay nhằm thúc đẩy hoạt động lành mạnh ở lĩnh vực này.
3. Các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và và có đủ nguồn lực, vị thế cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tham mưu và giám sát chung thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và là một kênh thông tin độc lập của Chính phủ.
4. Các Bộ, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Chính phủ; chủ động tiếp xúc, làm việc trao đổi với các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế để tăng cường công khai, minh bạch đối với thị trường, nâng cao lòng tin của thị trường đối với hiệu lực của các chủ trương chính sách của Chính phủ.
5. Các Bộ: Tài chính, Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sớm xây dựng phương án cụ thể đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình (bảo hiểm, thị trường chứng khoán, xuất khẩu, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản) để chủ động phòng tránh, xử lý những tác động không thuận; đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển một cách an toàn, bền vững đối với các thị trường này.
6. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chỉ đạo, tổ chức giao ban thường kỳ với các cơ quan chức năng để kịp thời theo dõi, đánh giá và đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế thấp.nhất những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với kinh tế nước ta.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./. .
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 390/QĐ-TTg năm 2018 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản Ban hành: 11/04/2018 | Cập nhật: 13/04/2018
Quyết định 390/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Tây Ban Nha về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao Ban hành: 26/03/2010 | Cập nhật: 30/03/2010
Công văn số 970/TTg-KTTH về việc thực hiện biện pháp kiềm chế lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2008 Ban hành: 25/06/2008 | Cập nhật: 05/07/2008
Quyết định 390/QĐ-TTg năm 2008 điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát Ban hành: 17/04/2008 | Cập nhật: 23/04/2008
Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững Ban hành: 17/04/2008 | Cập nhật: 19/04/2008