Thông báo 284/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Số hiệu: | 284/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 29/06/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 284/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI KIỂM TRA CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông và có buổi làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tại buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Đồng bằng sông Cửu Long là Vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với 340 km đường biên giới với Campuchia, 6 cửa khẩu quốc tế và 12 cửa khẩu phụ kết nối với Campuchia; có bờ biển dài gần 740km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN; có điều kiện thuận lợi phát triển giao thương với các nước khu vực, trong đó giao thông vận tải có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của các địa phương trong ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự phát triển nhanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông của Vùng khá đồng bộ, cả về đường thủy, đường bộ và đường hàng không. Giai đoạn 2010 -2016, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng đã được đầu tư hoàn thành với 40 công trình, dự án có tổng vốn đầu tư trên 43.600 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức vốn đầu tư thực hiện của toàn ngành giao thông vận tải; tổng khối lượng vận tải của toàn vùng đạt trên 4.657 triệu lượt khách và gần 470 triệu tấn hàng hóa; tốc độ tăng trưởng bình quân vận tải hành khách là 4,4%/năm và vận tải hàng hóa là 4,9%/năm
Sự phát triển nhanh của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo giao thông, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của Vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập, cần tập trung nâng cấp và đầu tư mới; có nhiều công trình giao thông xuống cấp, sụt lún; việc triển khai quy hoạch về giao thông vận tải còn chậm; quá trình triển khai thực hiện các dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu thực tế; một số nút thắt giao thông chưa được tháo gỡ, trong đó có nút thắt trên tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và trên Quốc lộ 60, đây là hai nút thắt lớn nhất cần sớm tập trung đầu tư tháo gỡ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển mới khai thác được 60% công suất; một số tuyến đường thủy nội địa đã được đầu tư nâng cấp song sự kết nối giữa các tuyến đường thủy nội địa trong Vùng và kết nối với ngoại vùng ở một số nơi còn chưa phù hợp nên hiệu quả khai thác chưa cao; còn nhiều dự án dở dang đang triển khai nhưng thiếu vốn đầu tư; các cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư cũng như các quy định của pháp luật về đầu tư hạ tầng còn có bất cập, làm chậm tiến độ thực hiện và làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nguồn vật liệu để phục vụ cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang ngày càng khan hiếm và khó khăn hơn...
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên để cân đối với khả năng đáp ứng về nguồn lực. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Tháo gỡ được các nút thắt chính về giao thông của Vùng
- Đối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đặc biệt là Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ: Đây là 02 dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo ra tuyến giao thông đối ngoại của Vùng, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng, đưa toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ vào hoạt động trước năm 2020.
- Với 02 cụm dự án chính thuộc tuyến N2: Cụm dự án cầu Cao Lãnh và đoạn tuyến kết nối tới cầu Vàm Cống, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2017; cụm dự án từ cầu Vàm Cống đến tỉnh Kiên Giang, phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2018. Ngoài ra, cần triển khai các dự án nâng cấp Quốc lộ 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và Quốc lộ 1.
- Đối với tuyến Quốc lộ 60: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Đối với tuyến Phụng Hiệp - Cà Mau: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu kết nối giao thông trong Vùng.
2. Bộ Giao thông vận tải
- Tập trung xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về quản lý công tác nạo vét luồng hàng hải và đường thủy nội địa.
- Chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương trong Vùng và cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phân bổ hợp lý vốn đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức thực hiện việc nạo vét các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, giao thông thủy nội địa để nâng cao năng lực vận tải của đường thủy nội địa trong Vùng; phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan có liên quan sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng dự án cảng than nhằm đáp ứng yêu cầu về vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đánh giá và đề xuất sửa đổi một số điều của Luật đầu tư công; trong tháng 8 năm 2017 trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định sửa đổi Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
4. Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23 tháng 3 năm 2016 quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư, theo hướng quy định lãi suất vay vốn đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT phải phù hợp với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại; nghiên cứu, đánh giá tác động và thực hiện sửa đổi các nội dung liên quan đến khung giá tính thuế tài nguyên đối với vật liệu xây dựng (cát xây dựng và cát san lấp) quy định tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.
6. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát lại quy hoạch liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, các luồng lạch, khu vực cảng biển; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (nếu thấy cần thiết), làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát, sỏi theo đúng quy định của pháp luật, gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức Hợp đồng BOT phù hợp với các quy định có liên quan; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
9. Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư đối với các Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn.
10. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các Bộ, ngành liên quan, các Nhà đầu tư, đơn vị tư vấn phải nâng cao trách nhiệm, năng lực trong quá trình triển khai các Dự án; tăng cường phối hợp với các địa phương có liên quan, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong thi công, không gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau Ban hành: 12/05/2017 | Cập nhật: 25/05/2017
Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư Ban hành: 23/03/2016 | Cập nhật: 23/03/2016
Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư Ban hành: 17/03/2015 | Cập nhật: 19/03/2015
Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư Ban hành: 14/02/2015 | Cập nhật: 24/02/2015