Thông báo 268/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về phát triển thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam
Số hiệu: | 268/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 04/11/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 268/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG PHÁT ĐIỆN CẠNH TRANH VIỆT NAM
Ngày 31 tháng 10 năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về tình hình phát triển Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam. Tham gia cuộc họp có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; các Tập đoàn: Điện lực Việ Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Sau khi nghe Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, ý kiến các đại biểu tham dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:
Các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị các văn bản pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực để có thể đưa Thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Qua bốn tháng vận hành, thị trường điện thí điểm đã có một số mặt tích cực: hầu hết các nhà máy điện đã tham gia chào giá trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đơn vị đại diện trên thị trường điện; các đơn vị phát điện đã bước đầu làm quen, sử dụng thành thạo hệ thống công nghệ thông tin được trang bị để lập, xử lý và gửi bản chào giá đầy đủ trên thị trường điện, các bản chào giá không đúng quy định đã dần được khắc phục.
Tuy nhiên, thị trường thí điểm cũng đã bộc lộ một số bất cập, liên quan đến hệ thống SCADA hiện có vận hành không ổn định; dự báo nhu cầu điện sai số lớn dẫn tới cam kết thanh toán qua hợp đồng cao hơn nhu cầu thực tế tại một số thời điểm; việc cung cấp khí không ổn định, cung cấp thông tin về nguồn khí chưa kịp thời đã ảnh hưởng tới vận hành thị trường điện; các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của thị trường còn có điểm chưa phù hợp với tình hình vận hành thực tế. Những bất cập trong quá trình thực hiện thị trường điện thí điểm cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Việc thực hiện thị trường điện thí điểm tại Việt Nam cần được tiếp tục, các Bộ, ngành cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây để đến giữa tháng 12 năm 2011 sẽ họp lại, nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ đưa vào vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương:
- Thực hiện thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 3 Tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước ngày 15 tháng 11 năm 2011.
- Hoàn thành Đề án thành lập Hội đồng điều tiết điện lực quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 11/2011.
- Phối hợp với Tư vấn có báo cáo đánh giá toàn diện về hoạt động của Thị trường phát điện thí điểm trước ngày 30 tháng 11 năm 2011.
- Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt phương án điều tiết khí năm 2012 trước ngày 30 tháng 11 năm 2011, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn khí, công bằng, minh bạch giữa các khách hàng sử dụng khí. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc cung cấp khí cho sản xuất điện, có biện pháp chế tài cần thiết đối với các trường hợp không tuân theo sự điều hành của tổ chức có thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế sử dụng quỹ bình ổn giá điện để bảo lãnh một phần cho thanh toán trong thị trường phát điện cạnh tranh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho công tác vận hành và giám sát thị trường điện, hoàn thành trước khi thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển đổi hợp đồng mua bán điện và từng bước điều chỉnh giá mua điện từ các nhà máy điện phù hợp với quá trình điều chỉnh giá bán điện để giúp các chủ đầu tư bù đắp được các chi phí tăng thêm do tỷ giá, lãi suất ngân hàng và giá nhiên liệu,…
- Sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Thông tư 18/2010/TT-BCT ngày 10 tháng 5 năm 2010 về vận hành thị trường phát điện cạnh tranh; Thông tư 41/2010/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2010 quy định phương pháp xác định giá phát điện; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành khung giá phát điện và phê duyệt hợp đồng mua bán điện và các quy trình hướng dẫn thực hiện trước ngày 30 tháng 11 năm 2011.
- Đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức, hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2011.
- Nghiên cứu, điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật về thị trường điện một số nội dung sau:
+ Cho phép điều chỉnh sản lượng điện hợp đồng tháng khi có các biến động lớn về: phụ tải; kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa của nhà máy bị thay đổi so với kế hoạch năm mà không phải do nguyên nhân của nhà máy; tần suất nước về của các hồ thủy điện thay đổi nhiều so với dự báo và nguyên nhân từ các yếu tố khách quan khác.
+ Cho phép tính toán và công bố sản lượng của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu hàng ngày để đảm bảo sản lượng của các nhà máy này phù hợp với tình hình thủy văn thực tế của nhà máy.
+ Giá trần bản chào của các nhà máy nhiệt điện được điều chỉnh hàng tháng theo giá nhiên liệu.
+ Quy định về việc tính toán thanh toán cho các nhà máy điện sử dụng nhiều loại nhiên liệu cho sản xuất điện (dầu và khí đốt); các nhà máy điện chu trình hỗn hợp khi chỉ vận hành chu trình đơn trong các trường hợp sử dụng khí đốt hoặc dầu DO.
+ Đưa vào các điều kiện ràng buộc: bao tiêu khí trong các hợp đồng mua bán khí, bao tiêu điện năng trong các hợp đồng mua bán điện của các dự án điện BOT, ràng buộc khả năng tải của lưới điện truyền tải,…
2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Hoàn thành việc lập kế hoạch vận hành thị trường phát điện cạnh tranh năm 2012, trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt trước ngày 15 tháng 11 năm 2011.
- Thực hiện chuyển đổi hợp đồng mua bán điện và từng bước điều chỉnh giá mua điện từ các nhà máy điện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, phù hợp với quá trình điều chỉnh giá bán điện.
- Thực hiện các giải pháp cần thiết để hoàn thành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin theo sơ đồ tối thiểu, kết nối với các nhà máy điện ngoài Tập đoàn, hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 năm 2011.
- Xây dựng và hoàn thành các Quy trình hướng dẫn các Thông tư liên quan đến hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh chính thức trước ngày 15 tháng 12 năm 2011.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đơn vị liên quan đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện chính thức.
- Xây dựng mức phí thuê tài sản thiết bị công nghệ thông tin đối với các đơn vị tham gia thị trường điện, trình Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt.
3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cung cấp đủ khí đốt cho cụm nhà máy nhiệt điện chạy khí khu vực miền Đông Nam Bộ. Trường hợp không có khả năng cung cấp đủ, phải thông báo khả năng cung cấp khí trong thời gian sớm nhất có thể cho đơn vị vận hành thị trường điện.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn tuân thủ nghiêm túc lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia; thực hiện điều tiết cung cấp khí đốt bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí đốt của đất nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |