Thông báo số 263/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ năm 2006 - 2009 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2010 - 2020
Số hiệu: | 263/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 26/08/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngân hàng, tiền tệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 263/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TỪ NĂM 2006 - 2009 VÀ ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2010 - 2020
Ngày 11 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam; cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ năm 2006 - 2009 và định hương nhiệm vụ giai đoạn 2006 - 2009 và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận:
1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam là đơn vị được giao thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Phát triển đã làm tốt việc tập trung huy động vốn và cho vay các chương trình, dự án trọng điểm, cho vay tín dụng xuất khẩu; góp phần tích cực trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thực hiện tốt việc quản lý các nguồn vốn ODA đúng quy định và các cam kết, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ quốc tế.
Tuy đã đạt được một số thành tích bước đầu nêu trên, nhưng quy mô tín dụng của Ngân hàng Phát triển vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh, mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Năng lực quản trị ngân hàng, năng lực nghiên cứu, dự báo chưa theo kịp yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; tỷ lệ nợ xấu còn cao và dự phòng rủi ro thấp.
Để có thể vươn lên đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới, Ngân hàng Phát triển phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả trong việc huy động vốn và cũng như cho vay vốn; thực hiện tốt hơn nữa chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính để có thêm các điêu kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.
2. Về một số kiến nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
a) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, trình Chính phủ trong quý III/2009 , theo hướng:
- Những dự án, công trình, những mặt hàng xuất khẩu cần thiết phải có sự hỗ trợ bằng nguồn vôn tín dụng của Nhà nước.
- Cơ chế huy động vốn, lãi suất cho vay để có thể đáp ứng kịp thời cho nhu cầu hỗ trợ, nhưng nâng cao tự chủ tài chính của Ngân hàng Phát triển, giảm cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước; cơ chế lãi suất phù hợp với đặc điểm của dự án.
b) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2009 về khung pháp lý, cơ chế vận hành mô hình hoạt động của Ngân hàng Phát triển để vừa tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm vừa nâng cao hiệu quả tín dụng của Nhà nước.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu để đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), quy định Ngân hàng Phát triển Việt Nam là một ngân hàng chính sách, hoạt động theo quy định của Chính phủ.
d) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung cho đủ vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm khoản nợ được khoanh của các dự án giao thông trong năm 2009, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4574/VPCP-KTTH ngày 6 tháng 7 năm 2009.
e) Bộ Tài chính nghiên cứu áp dụng cơ chế hợp lý để Ngân hàng Phát triển huy động được đủ vốn trái phiếu Chính phủ của kế hoạch năm 2009 phục vụ nhiệm vụ được giao.
g) Đồng ý về nguyên tắc, Ngân hàng Phát triển vay 1.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước để có vốn thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
h) Giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế cho Ngân hàng Phát triển vay lại để đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
i) Tiềm lực tài chính của Ngân hàng Phát triển còn rất thấp; vì vậy, việc góp vốn điều lệ với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam phải được xem xét, tính toán cho phù hợp để Ngân hàng Phát triển có nguồn lực tập trung cho nhiệm vụ chính là tín dụng đầu tư phát triển. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với Ngân hàng Phát triển đề xuất phương án xử lý cho phù hợp thực tế hoạt động của Ngân hàng này.
k) Ngân hàng Phát triển báo cáo Bộ Tài chính Đề án Chiến lược phát triển hoạt động từ nay đến năm 2020, để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
l) Việc thực hiện thí điểm cho vay ngắn hạn đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phải cân nhắc, bảo đảm Ngân hàng Phát triển tập trung chủ yếu vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngân hàng Phát triển phải tổng kết hoạt động thí điểm này, báo cáo để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về phạm vi, mức cho vay, theo mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Phát triển và không cạnh tranh với các ngân hàng thương mại.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 44/2007/QĐ-TTg về Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam Ban hành: 30/03/2007 | Cập nhật: 18/09/2007