Thông báo số 256/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp và làm việc với lãnh đạo tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
Số hiệu: 256/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 16/09/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 256/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VÀ LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Ngày 11 tháng 9 năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp và làm việc với Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước về kết quả 2 năm hoạt động và một số kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Tham gia cuộc họp có đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước báo cáo và ý kiến đại diện các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến kết luận như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện chức năng quản lý, đầu tư kinh doanh vốn là một trong những nội dung thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ nhằm tách bạch chức năng chủ quản với chức năng kinh doanh vốn. SCIC cần tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhằm nâng cao hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC thực hiện đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà Nhà nước cần chi phối; hoạt động cần gắn với việc thúc đẩy thực hiện chương trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình, Nhà nước sẽ cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và chỉ còn nắm các doanh nghiệp then chốt của nền kinh tế quốc dân và Nhà nước chỉ giữ vốn chi phối ở khoảng 20 đến 30 doanh nghiệp quy mô lớn (tập đoàn kinh tế, tổng công ty).

2. Căn cứ Đề án thành lập, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 151/2005/QĐ-TTg ; số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động, SCIC tiến hành tổng kết, đánh giá sâu sắc kết quả hoạt động của mình, những mặt được, chưa được, định hướng,... để từ đó xây dựng chiến lược và vai trò của SCIC với hướng đi mới theo lộ trình đổi mới doanh nghiệp đến năm 2010, năm 2015 và đến năm 2020.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ:

1. Về xây dựng văn bản pháp lý: giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng một Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vào doanh nghiệp để có một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của SCIC theo hướng: những điều luật nào về doanh nghiệp phù hợp với SCIC thì tiếp tục thực hiện; đồng thời, những đặc thù hoạt động của SCIC cần được quy định rõ trong Nghị định này để điều chỉnh; mục tiêu chiến lược của SCIC là quản lý, đầu tư kinh doanh vốn, tổ chức thực thi nhiệm vụ này,... Sau khi có Nghị định của Chính phủ, trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thành lập (thay thế Quyết định hiện hành) và Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC.

2. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần theo hướng cho phép đàm phán bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước khi IPO.

3. Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo chức năng khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ:

a) Về quản lý người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phân thành 3 loại: thẩm quyền do Thủ tướng Chính phủ; Bộ, Ủy ban nhân dân; Hội đồng quản trị SCIC ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm và chế độ đối với người đại diện.

b) Về tiền lương trả cho người đại diện theo 2 phương án: phương án do SCIC trả và phương án do doanh nghiệp trả.

4. Về nguyên tắc chung: SCIC phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan có tờ trình Thủ tướng Chính phủ từng vụ việc cụ thể, kiến nghị các vấn đề cần xử lý vượt thẩm quyền của các Bộ, cơ quan.

b) Về các trường hợp cụ thể:

- Việc chuyển nhượng phần vốn tại Công ty cổ phần Giầy Đông Anh (DAFCO) thực hiện theo phán quyết của Tòa án.

- Về kết quả thực hiện phương án tái cơ cấu Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific, cần làm rõ trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như: giá vé theo thị trường (bỏ giá trần như hiện nay); cho phép phụ thu giá xăng dầu nhưng phải ký với cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính có quy định về việc này; về kinh doanh và dịch vụ mặt đất, Bộ Tài chính bàn với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Về Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành cùng địa phương liên quan và SCIC báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Về bán cổ phần tại Bảo Minh cho AXA: Bộ Tài chính, SCIC lập phương án báo cáo Thường trực Chính phủ theo hướng bảo đảm cổ phần chi phối của Nhà nước.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTg; các Phó TTg;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, NV, LĐTB&XH, GTVT, CT;
- NHNN VN;
- TCT ĐT&KD vốn nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTN, ĐMDN, KGVX, PL, TKBT, TH, TTĐT;
- Lưu VT, KTTH (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng