Thông báo 250/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về huy động và sử dụng vốn đối ứng cho dự án ODA
Số hiệu: | 250/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 12/07/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 250/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH VỀ VIỆC HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐỐI ỨNG CHO CÁC DỰ ÁN ODA
Ngày 27 tháng 6 năm 2012 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ về việc huy động và sử dụng vốn đối ứng bổ sung cho các dự án ODA.
Sau khi nghe Lãnh đạo các cơ quan báo cáo về vấn đề huy động nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và kiến nghị của các cơ quan: Bộ Tài chính (công văn số 5414/BTC-QLN ngày 23 tháng 4 năm 2012), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 4378/BKHĐT-KTĐN ngày 15 tháng 6 năm 2012), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (công văn số 3279/NHNN-HTQT ngày 01 tháng 6 năm 2012), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:
1. Ý kiến chỉ đạo chung:
Cùng với các nguồn đầu tư trong nước, nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng vào việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy, tập trung giải ngân nhanh, kịp thời vốn ODA có ý nghĩa rất lớn đối với việc tạo nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển. Trong những năm gần đây, mặc dù giải ngân ODA của Việt Nam đã có cải thiện nhất định, song tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp so với mức giải ngân bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, vốn đối ứng bố trí không đáp ứng yêu cầu, chi phí tăng do trượt giá. Để bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giải pháp tổng thể để hấp thụ tối đa nguồn lực này nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2012-2015.
2. Các Bộ, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết, phù hợp, đồng thời kiến nghị giải pháp tạo nguồn vốn đối ứng để sử dụng hiệu quả tối đa vốn ODA theo nguyên tắc: Nguồn vốn đối ứng cần được quản lý điều hành theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Trung ương tới địa phương; vốn đối ứng được bố trí theo tiến độ thực hiện thực tế của từng dự án; ưu tiên trả nợ vay vốn đối ứng đúng thời hạn; cho phép điều chuyển linh hoạt vốn theo hướng ưu tiên cho các dự án có nhu cầu cấp bách.
3. Trong năm 2012 cần rà soát, xác định cụ thể các dự án cần bảo đảm vốn đối ứng, trên cơ sở đó xây dựng nguyên tắc, tiêu chí huy động các nguồn vốn hợp pháp để có thêm nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA nhưng phải đảm bảo được an toàn về nợ công, mức bội chi ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Giao các Bộ, ngành và địa phương (cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA) khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình huy động, phân bổ và giải ngân đối với nguồn vốn ODA và vốn đối ứng cho các chương trình, dự án của Bộ, ngành và địa phương; xác định rõ nhu cầu vốn đối ứng theo tiến độ và mức vốn đã cam kết với nhà tài trợ của từng chương trình, dự án ODA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 7 năm 2012 để rà soát, tổng hợp báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.
5. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương:
a) Thống nhất tiêu chí, nguyên tắc, phương án và danh mục các chương trình, dự án ODA cấp bách (giao thông, thuỷ lợi) cần bổ sung vốn đối ứng, khả năng ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương có dự án ODA trong năm 2012 trước ngày 31 tháng 7 năm 2012 và thời kỳ 2013 - 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2012.
b) Xác định và tổng hợp nhu cầu điều chuyển vốn đối ứng thuộc kế hoạch năm 2012 đã giao cho các chương trình, dự án ODA để điều chuyển một cách linh hoạt vốn đối ứng đã bố trí những dự án không có khả năng giải ngân được sang các chương trình, dự án ODA đang triển khai, cần bổ sung thêm vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các chương trình, dự án ODA.
c) Chủ động làm việc với các nhà tài trợ đề xuất phương án tái cấu trúc các chương trình, dự án ODA đang triển khai nhằm điều chuyển vốn không sử dụng hoặc hiệu quả thấp để bố trí cho các dự án ODA có nhu cầu hoặc còn thiếu vốn.
d) Nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về thúc đẩy giải ngân vốn ODA; lựa chọn một vài dự án hợp tác công - tư chỉ đạo thí điểm, thực hiện tốt cơ chế chính sách giải ngân để rút kinh nghiệm thành cơ chế chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2012.
đ) Cân đối, bố trí vốn hàng năm để hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản đã ứng trước bổ sung vốn đối ứng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương để có nguồn trả nợ cho các khoản vay đã huy động bổ sung đối ứng cho các chương trình, dự án ODA.
6. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương:
a) Xây dựng kế hoạch huy động và giải ngân vốn đối ứng bổ sung cho các chương trình, dự án ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tổng mức và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án;
b) Tiếp tục vận động các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách nhà nước cho các mục tiêu giảm nghèo bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu,... để có thể tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các mục tiêu đối ứng dự án ODA;
c) Xác định tổng mức ứng vốn năm 2012, tạm ứng nguồn bổ sung vốn đối ứng và thu hồi khi giải ngân các khoản vay theo chương trình hỗ trợ ngân sách chung, báo cáo trước ngày 31 tháng 7 năm 2012.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |