Thông báo số 250/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Số hiệu: 250/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Viết Muôn
Ngày ban hành: 10/09/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 250/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Ngày 29 tháng 8 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ban và ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:

I. Tám tháng qua, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đạt được kết quả khá tốt; đã theo dõi, giám sát thực hiện các Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, tình hình hoạt động và đổi mới tổ chức quản lý của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kịp thời phát hiện những vướng mắc trong thực hiện để phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 8 tháng qua đạt được một số kết quả, nhưng còn thấp. Thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế tập trung tại một đầu mối và rút ngắn xuống còn 05 ngày làm việc là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính gia nhập thị trường của doanh nghiệp, song còn nhiều thủ tục hành chính cần được tiếp tục cải cách. Việc theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chưa được coi trọng. Một số vướng mắc trong sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý kịp thời...

II. Để đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, đổi mới doanh nghiệp nhà nước:

a) Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước:

- Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 08 tháng 8 năm 2008 (Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 20 tháng 8 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ);

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Đề án sắp xếp, cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện;

- Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế để bán bớt phần vốn nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần để đầu tư vào các dự án, lĩnh vực quan trọng;

- Tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ tiếp tục nắm giữ 100% vốn đến năm 2010 thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Kiện toàn tổ chức quản lý các doanh nghiệp này.

b) Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; kịp thời xử lý các kiến nghị, vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

c) Bộ Tài chính thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

2. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp:

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh trong đề xuất các giải pháp tiếp tục sắp xếp, đổi mới phương thức quản lý các nông, lâm trường quốc doanh và việc thí điểm cổ phần hóa một số vườn cây gắn với cơ sở chế biến;

- Hướng dẫn sắp xếp các doanh nghiệp thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, các cơ quan liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu, kiến nghị về hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.

3. Các Bộ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án liên quan đến sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2008 của Chính phủ theo đúng tiến độ và các Đề án sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Trình Chính phủ trong Quý IV năm 2008 Nghị định về tổ chức, hoạt động và giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Trình Chính phủ trong Quý lI năm 2009 Nghị định về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng;

- Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2009 sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

b) Bộ Tài chính:

- Hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các quy định về cổ phần hóa bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế (như: việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý, cơ cấu bán cổ phần lần đầu,...);

- Nghiên cứu báo cáo Chính phủ trong Quý III năm 2008 những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;

- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2009:

+ Cơ chế người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất thành lập công ty cổ phần mới;

+ Cơ chế chuyển các đơn vị sự nghiệp có thu thành công ty cổ phần;

- Trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi đặc thù cho việc cổ phần hóa các đơn vị tư vấn trong quý IV năm 2008.

c) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan:

- Trong Quý IV năm 2008 hướng dẫn việc quản lý cán bộ là người quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đã chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu;

- Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2009 về quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, trong đó làm rõ cơ chế quản lý, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước ở công ty cổ phần, chế độ tiền lương, thù lao đối với người đại diện,...

4. Khẩn trương sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế

Các tập đoàn kinh tế tự tổ chức sơ kết theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành sơ kết theo lĩnh vực được phân công quản lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm 2008.

Đề nghị Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương sơ kết về tổ chức Đảng trong tập đoàn kinh tế.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12 năm 2008.

III. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường theo dõi việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật này; tiến hành đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2008 về 2 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp và việc thực hiện Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTgCP;
- VPTW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo ĐM & PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cổng TTĐT;
- Lưu VT, ĐMDN (7).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn

 





Chỉ thị 22/2007/CT-TTg về phát triển doanh nghiệp dân doanh Ban hành: 26/10/2007 | Cập nhật: 30/10/2007