Thông báo số 249/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị giao ban trực tuyến vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung
Số hiệu: | 249/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 09/09/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 249/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN TRỰC TUYẾN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
Ngày 27 tháng 8 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Sau khi nghe các địa phương báo cáo, ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân năm 2007 đạt 13,4%, cao nhất trong 3 vùng kinh tế trọng điểm và so với cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và phù hợp theo hướng ngành dịch vụ phát triển hơn.
Tuy đạt được những thành tựu, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần phải quan tâm: tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng còn chậm. Vùng đang từng bước đà tăng trưởng; do vậy 6 tháng đầu năm 2008, GDP đạt khoảng 12,3% so với cùng kỳ năm 2007; việc xây dựng hệ thống giao thông nối kết các tỉnh trong Vùng triển khai còn chậm; sử dụng đất chưa tiết kiệm và hiệu quả thấp; công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư; các địa phương trong Vùng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong phát triển dịch vụ, du lịch; công tác phòng, chống thiên tại, dịch bệnh và xây dựng nhà ở để phòng tránh bão, lũ cũng chưa làm được nhiều; trong khi vốn đầu tư không thiếu, nhưng việc chuẩn bị đầu tư còn yếu dẫn đến tình trạng chậm giải ngân hoặc không có dự án để kêu gọi đầu tư.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Về công tác điều phối
Để tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên ngành, giao Văn phòng Ban Chỉ đạo triển khai công tác tập huấn cho các tổ điều phối về công tác điều phối. Đồng thời, Văn phòng Ban Chỉ đạo sớm xây dựng cơ chế thưởng - phạt đối với công tác điều phối.
Xây dựng chương trình tổ chức các Hội nghị giao ban chuyên đề để giải quyết kịp thời các vướng mắc và thúc đẩy các hoạt động đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh việc cập nhật thông tin cho Website của Ban Chỉ đạo để các Bộ, ngành và các địa phương khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý và điều hành.
Yêu cầu các Bộ, ngành có văn bản trả lời các địa phương và thống nhất với các tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết công việc mang tính cấp bách, kịp thời.
2. Về phát triển giao thông vận tải
Các địa phương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư tránh tình trạng đợi có vốn khi đó mới xúc tiến triển khai các thủ tục đầu tư; Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, có giải pháp về các mô hình thu hút vốn đầu tư cho các dự án hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Đối với một số công trình cảng hàng không, cảng biển thi công chậm, Bộ Giao thông vận tải rà soát năng lực các nhà thầu, nếu không đủ khả năng phải đề xuất thay thế ngay. Đồng thời giải quyết dứt điểm việc huy động vốn đầu tư cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
3. Về môi trường
Các ngành, các địa phương phải coi trọng việc bảo vệ và phát triển bền vững môi trường, xử lý chất thải từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có quy hoạch chung cho Vùng và hướng dẫn các địa phương quy hoạch bảo vệ môi trường đến cấp xã; nghiên cứu thành lập Ủy ban lưu vực sông (như ở phía Bắc và phía Nam) để quản lý, giám sát; đồng thời, tổ chức các Hội nghị chuyên đề để có biện pháp xử lý từng vấn đề cụ thể.
Các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn; trong 6 tháng tới phải có quy hoạch xử lý rác thải tới tận các phường, xã và có biện pháp huy động vốn giải quyết vấn đề này.
4. Về phát triển công nghiệp điện và thương mại
Bộ Công Thương đôn đốc, giám sát, chỉ đạo chặt chẽ để các công trình điện đang xây dựng trong Vùng sớm đi vào hoạt động giảm thiểu tình trạng thiếu điện hiện nay, tránh làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư.
Bộ Công Thương phối hợp với các ngành, các địa phương lập danh sách ưu tiên cấp điện và có kế hoạch cắt điện hợp lý; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo nguồn; các địa phương rà soát lại quy hoạch điện.
Để tiếp tục đà tăng trưởng có hiệu quả, các Bộ, ngành và các địa phương cùng với Chính phủ tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất, nhất là xuất khẩu hàng hóa, sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, kiểm soát nhập khẩu các vật tư hàng hóa không cần thiết, để giảm nhập siêu.
5. Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn Vùng. Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nghề cấp tốc để đề phòng sự đột biến lớn về nhu cầu sử dụng lao động như ở Dung Quất, các khu kinh tế khác trong Vùng.
6. Về công tác phòng, chống thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương xây dựng chương trình hành động về phòng chống bão, lũ và kế hoạch bố trí lại dân cư trong vùng bị thiên tai triển khai thực hiện chương trình xây dựng các công trình, cơ chế chính sách đối với nhân dân trong vùng thường xuyên bị thiên tai (tỉnh Quảng Nam đã thí điểm xây dựng chương trình hành động về phòng chống thiên tai, đang được thực hiện và bước đầu có kết quả).
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |