Thông báo 243/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc triển khai việc lập quy hoạch phát triển nhân lực và công tác dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2020
Số hiệu: | 243/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 08/09/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 243/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI VIỆC LẬP QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VÀ CÔNG TÁC DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUA ĐÀO TẠO CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
Trong 02 ngày 10 tháng 8 và 26 tháng 8 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai việc lập quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2020 và hội nghị trực tuyến về dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo.
Tham dự các Hội nghị nêu trên, có đại biểu tại 64 đầu cầu truyền hình trong cả nước. Tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tại đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Phát triển nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước là một nhiệm vụ rất trọng yếu trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 202. Việc lập quy hoạch phát triển nhân lực các ngành, địa phương và toàn quốc là giải pháp căn bản để làm cho nhân lực trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, vì vậy phải được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành trong năm 2010 để triển khai thực hiện từ năm 2011.
2. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm các nội dung và yêu cầu chủ yếu sau:
a) Về nội dung quy hoạch:
- Tên gọi và giai đoạn lập quy hoạch: Các Bộ, ngành lập quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của ngành mình ở cấp quốc gia, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương mình (bao gồm nhiều ngành đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương), Chính phủ lập quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của cả nước. Quy hoạch phát triển nhân lực là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của chiến lược phát triển các ngành và địa phương giai đoạn 2011 - 2020, để trả lời câu hỏi “người đâu” (bên cạnh các câu hỏi lâu nay là: vốn ở đâu, đất ở đâu), nâng cao tính khả thi và hiệu quả của các chiến lược và kế hoạch phát triển ngành, địa phương.
- Quy hoạch phát triển nhân lực của các ngành, địa phương cần làm rõ: Hiện trạng nhân lực (giai đoạn 2006 - 2010) của ngành, địa phương; hiện trạng đào tạo, cung ứng nhân lực cho nhu cầu của ngành, địa phương; hiện trạng sử dụng, phát huy nhân lực trong ngành, địa phương; dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2020; giải pháp tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực cho ngành, địa phương; giải pháp chính sách sử dụng, phát huy nhân lực của ngành, địa phương như: thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, đào tạo liên tục…; giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch nhân lực của ngành, địa phương.
- Sáu ngành và 7 địa phương được lựa chọn để thí điểm tiến hành trước việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của ngành, địa phương mình gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông (quy hoạch phát triển nhân lực báo chí, phát thanh, truyền hình), Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy hoạch phát triển nhân lực tài chính - ngân hàng), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quy hoạch phát triển nhân lực du lịch), Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thanh Hóa, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Lào Cai.
b) Về tổ chức thực hiện:
- Việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của các ngành, địa phương phải được thực hiện bởi các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, là các cơ quan này có đủ thông tin và khả năng đánh giá hiện trạng nhân lực, nhu cầu nhân lực, việc cung ứng nhân lực và sử dụng, phát huy nhân lực trong ngành, địa phương mình. Trên cơ sở này, các Bộ, ngành và địa phương sẽ đặt hàng cho sự phát triển hệ thống đào tạo trong ngành, địa phương mình và cả nước. Vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
- Các Bộ, ngành thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ, ngành mình, do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách hoặc cử một Thứ trưởng làm Trưởng ban. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp xây dựng quy hoạch nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương; tổng hợp quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của cả nước, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức liên quan, sau đó tổng hợp, hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2010.
- Các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương mình, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban với sự tham gia của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan.
- Trước ngày 31 tháng 8 năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các biểu mẫu và hướng dẫn chi tiết về việc triển khai xây dựng quy hoạch nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 đến các địa phương.
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức Hội nghị về dự báo nhu cầu nhân lực (vào ngày 26 tháng 8 năm 2010) để cung cấp thêm căn cứ cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch. Tài liệu hội nhập phải được gửi trước đến tất cả các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
- Việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của sáu Bộ, ngành và 7 địa phương được chọn làm trước cần hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2010; các Bộ, ngành và địa phương khác cần hoàn thành trước ngày 10 tháng 11 năm 2010 để gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, hoàn thành trước ngày 25 tháng 11 năm 2010, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các tổ chức liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 2010.
- Trên cơ sở quy hoạch phát triển nhân lực của các ngành và địa phương, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới giáo dục, đào tạo và dạy nghề; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất kế hoạch bổ sung ngân sách, kế hoạch đầu tư, kế hoạch huy động vốn ODA, FDI và vốn trong nước để triển khai việc đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo giai đoạn 2011 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2010.
- Thành lập Tổ công tác của Ban Chỉ đạo về đào tạo theo nhu cầu xã hội để hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành và địa phương gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ của các Bộ, cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ, trong đó đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng; lập trang thông tin điện tử về quy hoạch phát triển nhân lực để hỗ trợ các ngành, các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Tổ công tác.
- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tự giải quyết kinh phí cho việc lập quy hoạch phát triển nhân lực của ngành mình và địa phương mình.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |