Thông báo 242/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015
Số hiệu: | 242/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Phạm Văn Phượng |
Ngày ban hành: | 04/10/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 242/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2011 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ XÂY DỰNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2011 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2011 - 2015.
Ngày 21 tháng 9 năm 2011, tại Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo và ý kiến của các cơ quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:
1. Tình hình chung:
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở, vật liệu xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, … Toàn ngành đã có những bước phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại; năng lực xây dựng công trình đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xây dựng, nhất là những công trình quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao, công nghệ hiện đại. Lĩnh vực đô thị có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Việc phát triển trên 750 đô thị là quá trình đô thị hóa tất yếu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xây dựng ở nông thôn. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn,… cho các vùng kinh tế trọng điểm và các đô thị được quan tâm hoàn thiện làm cơ sở đầu tư các dự án môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.
Trong điều kiện Nhà nước tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển (hàng năm trên 40% GDP), Bộ Xây dựng đã có nhiều cố gắng phối hợp với các Bộ tháo gỡ khó khăn, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực quản lý và thi công xây dựng của toàn ngành. Các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung trang thiết bị, nhân lực tham gia nhiều công trình xây dựng trọng điểm của đất nước như Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,… và nhiều công trình quan trọng trên cả nước. Ngành xây dựng đã tích cực ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng suất, chất lượng; tỷ lệ đóng góp giá trị gia tăng trong ngành xây dựng cao có ý nghĩa trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân toàn ngành xây dựng.
Bên cạnh thành tựu đạt được, Bộ xây dựng đã nhận thức được một số vấn đề còn tồn tại; những vấn đề cần hoàn thiện, khắc phục để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Về quy hoạch xây dựng: Từ chỗ chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng tới nay công tác quy hoạch đã có một bước tiến dài, thực hiện một khối lượng quy hoạch xây dựng lớn trên tất cả các địa phương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu đi trước một bước. Chưa tập trung kinh phí cho quy hoạch nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng, nhiều dự án phải sử dụng vốn của doanh nghiệp. Lực lượng làm quy hoạch còn bất cập, thiếu đồng bộ, năng lực cán bộ làm quy hoạch còn hạn chế. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quy hoạch xây dựng cần tiếp tục được nghiên cứu đáp ứng yêu cầu quản lý và đầu tư, xây dựng.
- Phát triển đô thị: thủ tục đầu tư, phát triển đô thị còn có khâu chưa chặt chẽ, minh bạch, chưa đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương bảo đảm hiệu quả cho công tác quản lý đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân tham gia thuận lợi.
- Về hạ tầng kỹ thuật đô thị: Bộ Xây dựng chủ động hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, đầu tư trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn tại cả vùng đô thị và nông thôn.
- Chính sách quản lý đầu tư xây dựng: Trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng cần quan tâm hơn nữa để khắc phục tính chia cắt, bảo đảm tính nhất quán của chính sách, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Chương trình, kế hoạch công tác phải bảo đảm khả thi.
- Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp: Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp ngành xây dựng.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới:
Chính phủ chủ trương thực hiện 3 đột phá là đào tạo nguồn nhân lực, thể chế và cơ sở hạ tầng. Các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành xây dựng đều liên quan đến 3 lĩnh vực đột phá chiến lược này, đặc biệt nhiệm vụ của ngành liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đất nước. Nếu hạ tầng không tốt thì ảnh hưởng lớn đến đầu tư phát triển và cả nền kinh tế. Bộ Xây dựng cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, có kế hoạch triển khai cụ thể.
3. Một số nhiệm vụ cụ thể:
a) Quy hoạch xây dựng: Cần phải có biện pháp khả thi để quy hoạch thực sự đi trước một bước. Bộ cần có các giải pháp để phủ kín quy hoạch xây dựng trong 5 năm tới trên cơ sở ưu tiên kinh phí cho công tác quy hoạch và chủ động tìm nguồn và đa dạng hóa nguồn vốn.
Tăng cường công tác giám sát các chỉ tiêu trong quy hoạch chung xây dựng, kể cả các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,… có biện pháp kiểm soát các dự án để bảo đảm đúng tỷ lệ xây dựng, dành diện tích thích đáng cho hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, hồ nước,… nâng cao chất lượng đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
b) Phát triển hạ tầng: Đô thị có ưu điểm phát triển nhanh nhưng lộn xộn, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ diện tích đất đô thị dành cho giao thông còn thấp. Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật và có chế tài bảo đảm thực hiện.
c) Nhà ở và bất động sản: Trong những năm qua, ngành xây dựng có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đầu tư phát triển nhà ở và bất động sản, mỗi năm diện tích nhà ở tăng bình quân gần 1m2/người. Bộ Xây dựng cần tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách; chú ý các giải pháp về vốn.
Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính đề xuất giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, từng bước thực hiện biện pháp minh bạch trong giao dịch bất động sản.
Nhà ở cho thuê: Chủ trương trong kế hoạch 5 năm tới hình thành các công ty đầu tư, phát triển nhà ở để cho thuê, Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các công ty này phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
d) Quản lý hoạt động xây dựng: Chú ý tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư theo hướng giảm các thủ tục không cần thiết, thực hiện cải cách hành chính mà vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý để các dự án được triển khai nhanh hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
đ) Về rác thải và cung cấp nước sạch: Bộ Xây dựng chủ động xây dựng phương án đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; hình thành bộ máy hỗ trợ lĩnh vực này để các dự án thuộc lĩnh vực này tiếp tục phát triển.
e) Về khoa học công nghệ: tăng cường áp dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.
g) Phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh: Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty để có biện pháp kịp thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chú trọng công tác quản lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Tiềm năng ngành xây dựng còn rất lớn, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phát huy lợi thế, tính năng động, sáng tạo, góp phần vào việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó TTg Cp; - Các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, TN&MT; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, ĐP; - Lưu: VT, KGVX (3).27 |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |