Thông báo số 24/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị đánh giá thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009
Số hiệu: 24/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 21/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 24/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN HÀNG NĂM 2008 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2009

Ngày 30 tháng 12 năm 2008, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009. Sau khi nghe lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2008, định hướng nhiệm vụ năm 2009 và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Đánh giá chung về việc thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2008

Năm 2008, bên cạnh những thuận lợi của thành tựu hơn 20 năm đổi mới đem lại, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Trong bối cảnh đó chúng ta đã có những đánh giá, đề ra những quyết sách, giải pháp phù hợp để ứng phó kịp thời.

Với kết quả tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm qua, chúng ta tiếp tục đặt ra mục tiêu duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2008. Nhưng ngay từ đầu năm, khi bước vào triển khai nhiệm vụ đã xuất hiện những diễn biến bất thường của kinh tế, tài chính thế giới, tác động rất mạnh mẽ vào nền kinh tế nước ta. Lạm phát trong nước tăng cao, đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời kiểm điểm đánh giá tình hình, chỉ rõ những nguyên nhân của lạm phát, từ đó xác định mục tiêu, giải pháp. Chính phủ đã xác định chuyển từ mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng cao sang mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát. Gắn kiềm chế lạm phát với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (kiến nghị Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm mức tăng trưởng xuống còn khoảng 7%) và đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ đưa ra tám nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp quan trọng là điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt.

Đến cuối năm, với sự nỗi lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp, trong đó có ngành ngân hàng, các mục tiêu đặt ra đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Lạm phát đã được kiềm chế. An sinh xã hội được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đã là nỗ lực và thành công lớn trong điều kiện suy giảm của kinh tế toàn cầu.

Trong những thành tựu chung của nền kinh tế và nhất là thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ngành ngân hàng đã đóng góp thiết thực và có ý nghĩa quyết định. Với vai trò nòng cốt của mình, ngành ngân hàng đã tham mưu và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Điều hành chính sách tiền tệ vừa thắt chặt, vừa linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế; thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Hệ thống ngân hàng phát triển trong thế vững mạnh hơn, hiện đại hơn, lợi nhuận của các ngân hàng ở mức tương đương năm 2007; công nghệ được nâng lên; đội ngũ cán bộ ngân hàng trưởng thành, phát triển hơn. Hệ thống ngân hàng đã chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật điều hành và thể hiện tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng còn một số mặt hạn chế như đã nêu trong báo cáo, cần ra sức khẩn trương khắc phục trong thời gian tới.

2. Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2009

a) Những thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế:

Tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục biến động xấu và có tác động trực tiếp đến Việt Nam. Năm 2009 sẽ là năm khó khăn hơn năm 2008 do tác động chủ yếu của suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Theo dự báo, năm 2009 tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt khoảng 2,2%; nhiều nước có thể sẽ tăng trưởng âm như: Mỹ, Nhật Bản, các nước khu vực EU. Điều này tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta; tốc độ tăng của các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp, đầu tư nước ngoài, du lịch, kiều hối dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2008 và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bên cạnh những khó khăn, nước ta vẫn có những thuận lợi để phát triển: (i) Chính trị, xã hội ổn định; (ii) Tốc độ tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liên tục, tiềm năng cho tăng trưởng còn nhiều; (iii) Nguồn vốn huy động, năng lực sản xuất, năng lực chế tạo, thi công trong nước còn lớn; (iv) Giá cả đang giảm thấp là thời cơ để tăng đầu tư cho các lĩnh vực cơ bản.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung mọi nỗ lực thực hiện năm nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội: Một là duy trì, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; Hai là kích cầu đầu tư, tiêu dùng hợp lý, hiệu quả; Ba là đảm bảo an sinh, xã hội; Bốn là thực hiện chính sách tài chính tiền tệ hợp lý và hiệu quả; Năm là công tác điều hành phải huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, chỉ đạo điều hành nhanh, linh hoạt, thích hợp, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng khâu then chốt trong từng thời gian, ở từng lĩnh vực để tập trung chỉ đạo đạt cho được những mục tiêu đề ra.

b) Về nhiệm vụ, vai trò của ngành Ngân hàng

Về cơ bản, nhất trí với những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác ngân hàng năm 2009 nêu trong Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, nhiệm vụ và vai trò của ngành Ngân hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Căn cứ các mục tiêu, giải pháp do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương triển khai ngay bằng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tham mưu và điều hành chính sách tiền tệ thích hợp và hiệu quả, góp phần ngăn ngừa suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, duy trì sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Điều này là rất quan trọng trong bối cảnh ngân hàng hiện vẫn là một kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước phải nắm chắc tình hình của ngành, của đất nước và tình hình thế giới, chủ động phân tích, dự báo để tham mưu, đề xuất cho Chính phủ những chính sách, giải pháp điều hành phù hợp; đồng thời, huy động được toàn bộ sức mạnh của hệ thống để tổ chức thực hiện, đảm bảo lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Chúng ta đã có những thành công về kiềm chế lạm phát, toàn ngành cần phát huy tốt hơn trong năm 2009.

- Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm vào mục tiêu kích cầu tiêu dùng, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống. Quốc hội đã cho phép điều hành lãi suất vừa theo cơ chế lãi suất cơ bản, vừa theo thỏa thuận, vì vậy ngành Ngân hàng cần nghiên cứu kỹ, xác định các đối tượng áp dụng cho phù hợp. Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động có các biện pháp thiết thực như tính toán, áp dụng lãi suất huy động và cho vay hợp lý để hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền và ngân hàng, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay, thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn nợ một cách thích hợp nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong điều kiện suy giảm kinh tế hiện nay; đồng thời, tuân thủ đầy đủ các quy định để đảm bảo chất lượng tín dụng.

- Phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực làm lành mạnh hơn nữa hệ thống ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống. Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản trị, quan tâm đến trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. Chú trọng việc đào tạo cán bộ đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quyết liệt. Việc thành lập ngân hàng mới cần được thận trọng xem xét trên cơ sở tính hiệu quả và phát triển an toàn, bền vững.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo an toàn hệ thống. Việc hoàn thiện khung pháp lý vừa phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa phải tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống ngân hàng phát triển năng động và linh hoạt hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung vào việc sửa đổi bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

- Tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính, chống tiêu cực, hiện đại hóa ngân hàng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về hoạt động ngân hàng, ủng hộ và đồng thuận các chính sách của ngân hàng.

- Chủ động phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg;
- VPTW, VPQH, VPCTN;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, TP, TT&TT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Các thành viên Hội đồng tư vấn CSTCTTQG;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, TKBT, TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(4) .

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.