Thông báo 235/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề án xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long
Số hiệu: 235/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Cao Lục
Ngày ban hành: 22/07/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 07 tháng 7 năm 2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề án xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Đề án xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án), ý kiến tham gia của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế nông nghiệp rất phát triển, đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, trái cây và thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định; quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao; sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch sản xuất cho từng vùng, loại sản phẩm chưa phổ biến; sản xuất nhiều khi không thích ứng nhu cầu thị trường; quy trình hướng dẫn kỹ thuật chuẩn mực, thống nhất tạo ra chất lượng hàng hóa cao còn chưa phát triển; mặt khác sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn chưa mở rộng; các đơn vị sản xuất trong nước cạnh tranh lẫn nhau làm suy giảm khả năng cạnh tranh nhất là trên thị trường quốc tế, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa thì mất giá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để phát triển nông nghiệp bền vững và có hiệu quả vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần thiết phải phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở hoàn thiện, nhân rộng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình hợp tác xã kiểu mới là một giải pháp cơ bản, lâu dài để khắc phục tình trạng nêu trên và mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân; giúp hộ nông dân khắc phục được một cách cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết một cách hữu cơ chuỗi giá trị sản xuất nông sản và sức mạnh tập thể thành viên, từ đó giúp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.

2. Trong quá trình hoàn thiện Đề án, cần lưu ý một số vấn đề sau:

a) Tên đề án: Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long;

b) Phạm vi của Đề án cần tập trung vào 03 sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cũng là sản phẩm chủ lực của quốc gia là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản;

c) Thực trạng của Đề án: Cần đánh giá sâu sắc thực trạng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long để thấy rõ sự cần thiết của Đề án; lựa chọn một số mô hình hiệu quả đã thành công (nêu rõ thành công, hạn chế, nguyên nhân ra được mô hình và bài học kinh nghiệm);

d) Mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Đề án: Xác định rõ việc nhân rộng của mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, theo đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên lựa chọn hợp tác xã hiện có để củng cố, hoàn thiện thành các điển hình để nhân rộng kết hợp một cách hợp lý với việc thành lập mới hợp tác xã kiểu mới;

đ) Giải pháp thực hiện: Đề xuất những chính sách cụ thể và biện pháp tổ chức thực hiện để có thể nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho có hiệu quả.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Phó Thủ tướng và ý kiến các cơ quan liên quan và các chỉ đạo trên đây, khẩn trương hoàn thiện Đề án, dự thảo Quyết định phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ: KH&ĐT, NN&PTNT, TC, CT;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố 13 Tỉnh, TP vùng ĐB SCL;
- Trung ương Hội Nông dân VN;
- Liên Minh HTX Việt Nam;
- BCĐ Tây Nam Bộ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TKBT, KTTH, TH, V.III; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.