Thông báo số 23/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 23/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 20/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 23/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 27 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009, ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Năm 2008, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội nên đã đạt được kết quả khá toàn diện; đã có 15/20 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là GDP tăng gần 11% góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế (mức tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,23%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,1%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 38,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3,3 lần so với năm trước; thu ngân sách tăng 32,1%; giá tiêu dùng tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là công tác xã hội hóa y tế, giáo dục và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; Thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chí chung của cả nước và đã hoàn thành kế hoạch trước 2 năm  về giải quyết hết hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng\năm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Một số tồn tại đáng quan tâm là:

- Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thành phố chưa cao;  cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn so với cả nước; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP còn thấp; chưa tăng được các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn và giá trị gia tăng cao; nguồn nhân lực có trình độ cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tình trạng cán bộ, công chức có trình độ bỏ việc nhiều;

- Huy động vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố nhất là vốn cho hạ tầng kinh tế - xã hội; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra; mức hài lòng của người dân về dịch vụ công còn thấp; năng lực cạnh tranh của Thành phố tụt bậc so với năm 2007;

- Công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, một số công trình, dự án trọng điểm chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là các dự án từ nguồn ODA;

- Công tác xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự phối hợp kết hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;

- Quản lý phát triển đô thị còn bộc lộ yếu kém: tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tăng lên, có nơi còn nghiêm trọng. Các quy định, qui chuẩn về quản lý đô thị còn nhiều bất cập;

- Một số vấn đề về kinh tế - xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết tốt hơn: hạ tầng đô thị; việc làm và nhà ở cho người có thu nhập thấp; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự, gian lận thương mại.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG NĂM 2009:

Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch và các giải pháp mà Thành phố đề ra. Năm 2009, kinh tế thế giới và nước ta sẽ có nhiều khó khăn hơn, Đảng bộ, chính quyền Thành phố cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2009 và kế hoạch 5 năm 2006-2010 với 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trước mắt, cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ với trọng tâm là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng. Phải chủ động tháo gỡ khó khăn và giúp đỡ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng; linh hoạt trong vận dụng các chính sách tài chính, tiền tệ; đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu, Thành phố cần năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh và vai trò đầu tầu, nòng cốt trong phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước. Thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao; đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ để sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; phát triển  nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển; chú trọng công tác phân tích, dự báo.

- Thành phố phải đi đầu trong công tác quản lý đô thị; phối hợp tốt với các viện, các trường đại học để làm tốt công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với công tác bồi thường, tái định cư; nghiên cứu hoàn thiện và ban hành mới qui định, qui chuẩn quản lý đô thị; tích cực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng; khẩn trương điều chỉnh và bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển sang nền hành chính phục vụ; nâng cao chất lượng và tạo môi trường thông thoáng để tăng khả năng thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

- Tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng chống ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng, duy trì trật tự, trị an; quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhà ở cho người nghèo và đối tượng chính sách; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự; ổn định thị trường, bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:

1. Về 10 nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31 tháng 12 năm 2007 và số 110/TB-VPCP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ: yêu cầu Thành phố và các Bộ liên quan khẩn trương thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:

a) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thành phố và các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2009 Đề án thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ứng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn ngân sách năm 2010 để đầu tư và di dời Liên hiệp xí nghiệp Ba Son thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng và đầu tư xây dựng ga Metro theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4912/VPCP-CN ngày 31 tháng 8 năm 2007; sau đó đấu giá đất hoàn trả vốn ứng. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Liên hiệp xí nghiệp Ba Son khẩn trương chuyển giao cho Thành phố phần đất xây dựng ga Metro để bảo đảm tiến độ công trình trọng điểm.

c) Về việc cấp 10.000 ha đất để bố trí di dời các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố: giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Thành phố và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trình Thủ tướng quyết định.

d) Đồng ý đưa tuyến Metro số 4 vào danh mục huy động các nguồn tài trợ khác (Tây Ban Nha, ADB) và cho phép Thành phố tạm đàm phán với phía Tây Ban Nha đối với tuyến Metro số 5, số 6 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

đ) Giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Thành phố, trình Thủ tướng quyết định về việc cho phép Thành phố tạm ứng tiếp 130 tỷ ngân sách năm 2010 để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

e) Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Thành phố, trình Thủ tướng quyết định về việc cho phép Thành phố mở rộng đàm phán với một số đối tác trong và ngoài nước để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện Dự án Khu đô thị Cảng Hiệp Phước và chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục bảo lãnh để nhà thầu chỉ định sớm nạo vét luồng Soài Rạp và phát hành trái phiếu Chính phủ 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa.

g) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trong tháng 01 năm 2009 quy định cụ thể về tiêu chí đấu thầu, chọn chủ đầu tư trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

h) Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ trong quý I năm 2009 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2004/NĐ-CP quy định hành vi, mức độ vi phạm dẫn đến tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng và thẩm quyền tước chứng chỉ hành nghề của lực lượng Thanh tra chuyên ngành.

i) Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 về xây dựng ngầm đô thị; Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình ngầm; Hướng dẫn điều chỉnh dự án có nguồn vốn ODA, vốn viện trợ hoặc vốn hỗn hợp trong trường hợp có thay đổi tỷ giá ngoại tệ do tổ chức tài trợ không thực hiện thanh toán, cung ứng vốn cho phần phát sinh do trượt giá; bổ sung các qui định cụ thể để thực hiện Luật Nhà ở.

k) Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ Đề án về quy định điều kiện và tiêu chí đăng ký thường trú vào Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước hạn chế việc tăng dân số cơ học cục bộ. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về môi trường, trong đó có Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; sớm nghiên cứu để có chính sách đầu tư, hỗ trợ lực lượng cảnh sát làm công tác bảo vệ môi trường.

2. Về đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố từ 26% lên 29%, tăng mức thưởng vượt thu lên 100% và cấp bổ sung 5.000 tỷ đồng cho Thành phố: thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2009. Đồng ý Thành phố xây dựng phương án phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Thành phố tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

3. Về đề nghị sử dụng nguồn vốn kích cầu của Trung ương: Chính phủ sẽ quyết định cụ thể mục tiêu, phương thức sử dụng gói kích cầu của Trung ương, Thành phố tổ chức thực hiện theo các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

4. Về đẩy nhanh việc sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan và doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ:

a) Yêu cầu các Bộ, đơn vị Trung ương khẩn trương thực hiện và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định này cho phù hợp với tình hình mới.

b) Giao Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc các đơn vị không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, kiểm tra, thu hồi các cơ sở của 9 đơn vị Trung ương không có phương án sử dụng theo quy hoạch được duyệt, không sử dụng đúng công năng, cho thuê lại hoặc để trống (theo danh sách đề nghị của Ban Chỉ đạo 09 của Thành phố Hồ Chí Minh).

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về việc cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân nhân  cấp tỉnh quyết định ban hành đơn giá thuê đất cao hơn đơn giá theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ đối với đất thuộc đô thị có khả năng sinh lợi đặc biệt.

5. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, địa phương chủ động đàm phán theo hướng mở rộng đấu thầu trong nước và quốc tế đối với tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, kể cả nguồn vốn của Nhật Bản, trừ các trường hợp cụ thể phải thực hiện theo cam kết đã ký giữa 2 nước.

6. Cho phép Thành phố vận dụng Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng để điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu gắn với việc điều chỉnh thời hạn khai thác các dự án BOT trên địa bàn (cần phải tính đến cả 2 trường hợp tăng giá và giảm giá).

7. Bộ Quốc phòng sớm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về việc xác định tĩnh không và quản lý tĩnh không các công trình xây dựng đảm bảo cho hoạt động bay, quản lý và bảo vệ vùng trời, trình Chính phủ trong quí I năm 2009.

8. Thành phố làm việc với Bộ Công thương về việc đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho phát triển; trước mắt, cần chỉ đạo việc đền bù các hộ dân để đưa đường dây 500kv Nhà Bè - Ô Môn vào vận hành sớm.

9. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Thành phố có những giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để khắc phục tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có việc phân cấp cho Giám đốc Công an Thành phố được trục xuất các đối tượng là người nước ngoài vi phạm pháp luật.

10. Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam xem xét việc mở thêm các đường bay trực tiếp từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các nước Châu Âu (nhất là Nga và các nước Đông Âu).

11. Về việc hoàn thiện công tác thống kê phục vụ yêu cầu phân tích, đánh giá, xây dựng, hoạch định kế hoạch, chiến lược kinh tế - xã hội; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg Chính phủ;
- Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tổng Cục Thống kê;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tổng Công ty Hàng không Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; các Vụ: KTTH, KTN, TH, TKBT, KGVX, NC;
- Lưu: VT, ĐP(5) .

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

 





Nghị định 41/2007/NĐ-CP về việc xây dựng ngầm đô thị Ban hành: 22/03/2007 | Cập nhật: 31/03/2007