Thông báo số 222/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên
Số hiệu: | 222/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Quốc Huy |
Ngày ban hành: | 05/11/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 222/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN
Trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 năm 2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị (Khoá IX) về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 tại tỉnh Điện Biên. Cùng đi có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và một số kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo Sở, Ban, ngành của Tỉnh của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37- NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có nhiều cố gắng, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết, đã đạt được những kết quả quan trọng, làm chuyển biến tình hình kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 10,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp), GDP bình quân đầu người tăng từ 3,8 triệu đồng/năm (năm 2004) lên 5,7 triệu đồng/năm (năm 2007); các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội có nhiều tiến bộ; giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống Điện Biên Phủ Anh hùng.
Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là một trong tỉnh nghèo, khó khăn chung của các tỉnh miền núi Tây Bắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa cao, chưa vững chắc; chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; công tác di dân tái định cư công trình thủy lợi điện Sơn La thực hiện chậm; thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp mới bảo đảm được 10% chi ngân sách địa phương; tỷ lệ hộ đói nghèo cao; tình hình dân di cư tự do, buôn bán, nghiện hút ma túy còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XI đã đề ra, Điện Biên cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai thực hiện nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI; có các giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể.
2. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình 135, Chương trình 5 triệu ha rừng, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 134, QĐ 31, QĐ 32, QĐ 33...) để không còn hộ đói, giảm nhanh hộ nghèo, đồng bào sống và làm giàu từ nghề rừng.
3. Điện Biên đạt lương thực bình quân đầu người khá cao, có gạo hàng hóa chất lướng tốt; Tỉnh cần tính toán bảo đảm an ninh lương thực, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao để đầu tư thâm canh và chuyển những diện tích sản xuất lương thực: đất dốc, thiếu nước, không có khả năng làm thuỷ lợi, không hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác (bông, đỗ tương...) có hiệu quả kinh tế cao hơn.
4. Công tác di dân tái định cư cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian quy định; đồng thời, các điểm tái định cư phải phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt, văn hoá... của từng dân tộc khác nhau và bảo đảm cho đồng bào có đời sống khá hơn nơi ở cũ.
5. Cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đã bố trí vốn, nếu các nhà thầu không đủ năng lực ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, công trình, thì kiên quyết thay thế các nhà thầu mới có năng lực để bảo đảm thực hiện dự án, công trình có chất lượng, đúng tiến độ quy định và giải ngân nhanh.
6. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án, công trình không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tiền vốn, vật tư làm ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, chất lượng của công trình, làm mất cán bộ, giảm lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
7. Là địa bàn trọng điểm của cả nước về ma tuý, có đông đồng bào dân tộc Mông từ các địa phương khác di cư tự do đến, còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định về an ninh, chính trị, Tỉnh cần tăng cường cán bộ bám sát địa bàn trọng điểm, làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống ma tuý, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, không di cư tự do, giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, không để kẻ địch lợi dụng.
8. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đặc biệt là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, chính trị, văn hoá cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Các kiến nghị của Tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 131I/TB-VPCP ngày 20 tháng 6 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên khẩn trương triển khai thực hiện.
2. Việc nâng mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị Quyết số 37-NQ-TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Đồng ý về nguyên tắc, thực hiện Dự án nâng cấp đường vành đai biên giới đoạn: Pom Lót - Mường Lói (tỉnh Điện Biên - Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) trong năm 2008, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 186/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miễn núi phía Bắc thời kỳ 2001-2005 Ban hành: 07/12/2001 | Cập nhật: 02/10/2012