Thông báo số 207/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ
Số hiệu: 207/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Trần Quốc Toản
Ngày ban hành: 09/11/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 26/11/2005 Số công báo: Từ số 27 đến số 28
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 207/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2005 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Ngày 23 tháng 9 năm 2005 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thủy sản, Bưu chính, Viễn thông, Văn phòng Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả hoạt động và một số kiến nghị về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, ý kiến phát biểu của các đại diện các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

1. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ.

Đại hội VI (1986) khẳng định khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Nghị quyết 26/NQ-TW (1991) và Nghị quyết Trung ương 2, Khóa VIII (1996) của Đảng đã khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong phát triển khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và đưa khoa học và công nghệ trở thành nền tảng và động lực cho cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội IX và Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IX) xác định: phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ trương này đã được nhắc lại trong các dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội X của Đảng.

2. Trong những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có tiến bộ và đổi mới:

a) Những mặt được:

- Những năm gần đây, các cán bộ quản lý, các nhà khoa học đã chú ý nhiều hơn đến doanh nghiệp, đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung vào nghiên cứu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nhờ đó mà nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Đây là một hướng đi đúng đắn, cần phải phát huy nhiều hơn nữa.

- Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong những năm quan, đã mạnh dạn đi vào một số lĩnh vực mới, giải quyết những vấn đề khoa học ở trình độ cao và những vấn đề kinh tế trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh để phát triển và hội nhập. Khoa học và công nghệ đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, giao thông, công nghiệp, xây dựng, bưu chính - viễn thông…

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp vói các Bộ, ngành giúp Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ và đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội, như: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 (Khóa IX) về khoa học và công nghệ, Đề án đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập… góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp để phát huy thế mạnh của từng ngành, từng vùng. Đã bước đầu đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ, theo tinh thần phân cấp, phân nhiệm, lấy hiệu quả cuối cùng về giá trị khoa học và kinh tế làm tiêu chí cao nhất. Cơ chế tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, huy động được các tập thể, cá nhân thực sự có năng lực tham gia giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ lớn phục vụ kinh tế - xã hội. Đã quan tâm thúc đẩy việc tổ chức các chợ thiết bị, công nghệ, nhờ đó, nhiều sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học đã được thương mại hóa, phục vụ cho yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp … được xã hội hoan nghênh và đánh giá cao.

- Đã bước đầu thực hiện tốt chủ trương huy động mọi lực lượng trong xã hội, mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, động viên, khích lệ quần chúng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

b) Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều mặt yếu kém và bất cập chưa khắc phục được trong hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là trong công tác quản lý khoa học và công nghệ.

- Mức đầu tư cho khoa học và công nghệ tuy ngày càng tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của khoa học và công nghệ và chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước. Chưa huy động được các nguồn đầu tư xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp cho phát triển khoa học và công nghệ.

- Việc đổi mới quản lý khoa học và công nghệ triển khai còn chậm. Cơ chế sử dụng cán bộ khoa học và trọng dụng nhân tài chưa được ban hành đồng bộ và hợp lý. Cơ chế, chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa tạo được nguồn lực và động lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các cán bộ khoa học và công nghệ phát huy tối đa năng lực sáng tạo và đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.

- Công tác hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ chưa được triển khai đúng mức và có hiệu quả, để phục vụ kịp thời việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong nước.

- Một số vấn đề tồn tại nhiều năm trong hoạt động khoa học và công nghệ như: sự gắn kết giữa viện nghiên cứu - trường đại học – doanh nghiệp, quan hệ hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ, chất lượng của các đề tài đã nghiệm thu và việc đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống,… vẫn chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

- Ngoài ra, một số nhược điểm mang tính chủ quan của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ như: biểu hiện thiếu đoàn kết, kém hợp tác, thiếu trung thực, hám chức, hám danh, hám lợi,… chưa được đẩy lùi và khắc phục.

3. Về định hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới:

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện thật tốt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 Khóa IX về khoa học và công nghệ. Trong đó tập trung thực hiện các công việc sau:

a) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, đặc biệt là trong các doanh nghiệp. Đây là một trong các điều kiện sống còn của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Còn học tập kinh nghiệm của các nước trong việc phát triển các tổ chức nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo công nghệ trong các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các Tổng công ty lớn của Nhà nước.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, môi giới, dịch vụ về khoa học và công nghệ để phát triển thị trường công nghệ. Chuẩn bị ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn để sớm thực thi có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ sau khi được Quốc hội thông qua. Xây dựng và phát triển các trung tâm giao dịch khoa học và công nghệ tại các vùng kinh tế lớn trong cả nước.

b) Đổi mới cơ bản chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ và thúc đẩy sự đầu tư của toàn xã hội cho đổi mới công nghệ để có thể đạt mức 1,5% GDP vào năm 2010.

Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ của đất nước; tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo của các chuyên gia giỏi, đặc biệt là thế hệ cán bộ trẻ; thu hút chuyên gia nước ngoài, chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ trong nước; gửi các cán bộ khoa học tham gia các chương trình nghiên cứu của nước ngoài. Triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối vói các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định mới được Chính phủ ban hành.

Sớm xây dựng cơ chế có hiệu quả để gắn kết hữu cơ khoa học và công nghệ với giáo dục – đào tạo và sản xuất, kinh doanh, tránh lãng phí, phân tán đầu tư và lực lượng.

c) Xây dựng lộ trình hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của đất nước. Nhanh chóng củng cố và mở rộng mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ và chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài cho nước ta. Tạo điều kiện để các Viện nghiên cứu hàng đầu khu vực và thế giới có chi nhánh nghiên cứu tại Việt Nam.

d) Có các giải pháp để sớm hình thành các tập thể khoa học và công nghệ mạnh với đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thụât viên lành nghề có trình độ khu vực và quốc tế, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của đất nước. Đầu tư có trọng điểm để xây dựng một số Viện nghiên cứu, Phòng thí nghiệm đạt trình độ quốc tế.

4. Về một số kiến nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Về việc hình thành tổ chức thực hiện chức năng quản lý và phát triển công nghệ: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng Đề án cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 2005.

b) Về việc cho phép các doanh nghiệp dành 3 – 5% doanh thu trước thuế cho hoạt động đổi mới công nghệ; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, dành nguồn vốn sẵn sàng cho phát triển các khu công nghệ cao như đối với hai Đại học Quốc gia: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.

c) Về phương án thí điểm thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho nhóm đối tượng cán bộ khoa học và công nghệ được Nhà nước giao thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia và nhiệm vụ ươm tạo công nghệ: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ.

d) Về củng cố và mở rộng mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.

đ) Đồng ý việc định kỳ hàng năm có cuộc gặp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các cán bộ khoa học và công nghệ toàn quốc. Giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Trần Quốc Toản

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.