Thông báo 205/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình
Số hiệu: | 205/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Văn Tùng |
Ngày ban hành: | 31/05/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 205/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI BÌNH
Ngày 16 tháng 5 năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã thăm làm việc tại tỉnh Thái Bình. Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tình hình phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và một số kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, tình hình kinh tế - xã hội của Thái Bình vẫn ổn định và tiếp tục phát triển, đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: tổng sản phẩm đạt 13.560 tỷ đồng, tăng 7,84%; tổng giá trị sản xuất đạt 27.968 tỷ đồng, tăng 8,71%, trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 3,68%, công nghiệp, xây dựng tăng 9,31%, dịch vụ tăng 10,5%. Chỉ số CPI tăng 6 bậc so với năm 2012. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 731 triệu USD; thu ngân sách đạt trên 9.541 tỷ đồng, bằng 155,6% dự toán. Tổng vốn huy động toàn địa bàn đạt 17.200 tỷ đồng, tăng 24%. Hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới của 100% số xã, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bắt đầu thành công.
Tỉnh đã quan tâm, chú trọng và đạt kết quả khá trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách xã hội. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,12%, 100% số xã của Thái Bình đã có Trung tâm học tập cộng đồng....
Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, phát động các phong trào rộng khắp nhằm bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực chỉ đạo điều tra, triệt phá các ổ nhóm tội phạm; giảm thiểu tai nạn giao thông. Thái Bình là một trong 5 địa phương được Thủ tướng biểu dương vì đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo trong dịp Tết Quý Tỵ. Công tác phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm được đẩy mạnh, có nhiều mô hình, cách làm hay, có hiệu quả.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình và các kết quả đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Thái Bình cũng còn một số hạn chế, khó khăn: quy mô nền kinh tế còn nhỏ, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt; tội phạm còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ người nhiễm HIV, người nghiện ma túy còn ở mức khá cao so với cả nước.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Về cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 mà Tỉnh đã đề ra, lưu ý một số việc:
1. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ...Đẩy mạnh kết nối với các vùng khác thông qua hạ tầng giao thông; quản lý tốt quy hoạch giao thông, tăng cường đào tạo lao động, đón thời cơ phát triển công nghiệp.
2. Quan tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp một cách lâu dài, hiện đại, hiệu quả, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn; chuyển đổi cơ cấu trong các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp.
3. Tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế cho nhân dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu việc xã hội hóa hoạt động sự nghiệp công, nghiên cứu xây dựng đề án chính quyền điện tử để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
4. Bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống tội phạm, quản lý địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xóa điểm đen giao thông; mở rộng điều trị cai nghiện bằng Methadone tại cộng đồng.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về việc cho phép thuê tư vấn nước ngoài để nghiên cứu, rà soát điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển của Tỉnh đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2030: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo không nhất thiết phải thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình, Tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc bố trí tăng nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét trong tổng thể chung để xử lý.
3. Về hỗ trợ vốn (có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ) cho một số công trình, dự án quan trọng, cấp bách của Tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2015 (24 km đê biển số 6, số 7, số 8; 02 công trình BT: đường 39B đoạn thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương - thị trấn Diên Điền, Thái Thụy và đường nối Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án cầu Thái Hà; dự án Bệnh viện đa khoa 1.000 giường; dự án cầu Tịnh Xuyên; dự án Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình; nút giao Quốc lộ 10 với đường 223), Tỉnh nghiên cứu, rà soát, xử lý theo hướng:
- Đối với các dự án đã có trong danh mục đầu tư, đã thẩm định vốn theo quy định, Tỉnh sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Đối với các dự án mới: Tỉnh tính toán, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước và khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện dự án có hiệu quả; thực hiện thẩm định nguồn vốn theo đúng chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, xác định khả năng kinh phí, làm việc với các Bộ liên quan theo quy trình.
4. Về đầu tư bằng nguồn vốn ODA để thực hiện một số dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cấp, cải tạo và xây dựng cầu đường; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê, trạm bơm, cống dưới đê; xây dựng, nâng cấp cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền; xây dựng, nâng cấp bệnh viện và hỗ trợ trang thiết bị y tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị): Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định hiện hành.
5. Về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Xây dựng hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng, mỏ Thái Bình giai đoạn 1: Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các dự án trên theo tiến độ, kế hoạch được duyệt.
6. Về hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tiền trạm kinh tế mới tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam giai đoạn 1976 - 1980 được hưởng chính sách như chính sách đối với thanh niên xung phong theo Chỉ thị số 460/TTg ngày 23 tháng 9 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, địa phương liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống tội phạm mua bán người (hỗ trợ kinh phí cho lực lượng phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy ở cơ sở; đầu tư phương tiện giám định hàm lượng chất ma túy; hệ thống báo cáo thống kê): Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cụ thể.
8. Về hỗ trợ kinh phí để mở rộng 2 trung tâm cai nghiện của thành phố và tỉnh Thái Bình: Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét, đề xuất hỗ trợ cho Tỉnh thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện.
Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương sử dụng một số bài thuốc phục vụ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ngoài phác đồ an thần kinh; mở rộng điều trị nghiên cứu các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
9. Về bổ sung, sửa đổi Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 cho phù hợp với yêu cầu chống ma túy; các thông tư hướng dẫn thực hiện kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghiện, nạn nhân bị buôn bán trở về và người lầm lỗi: Các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, nghiên cứu, xử lý.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và các cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ Ban hành: 15/10/2011 | Cập nhật: 31/10/2011