Thông báo 203/TB-VPCP ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục
Số hiệu: | 203/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 20/07/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 203/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH THIẾU ĐIỆN VÀ CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Ngày 13 tháng 7 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình thiếu điện hiện nay và bàn về các giải pháp khắc phục. Tham gia cuộc họp có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Sau khi nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Việc đảm bảo cung cấp điện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy phát triển tăng trưởng bền vững và góp phần cải thiện cuộc sống của nhân dân. Thấy rõ được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành điện; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Để cụ thể hóa các chiến lược phát triển, Chính phủ đã tổ chức xây dựng và phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia, gần đây nhất là Quy hoạch điện VI và đang tổ chức xây dựng Quy hoạch điện VII. Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, cơ chế nhằm rút gọn thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình điện.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, qua 10 năm, từ năm 2000 đến nay, công suất và sản lượng điện đã tăng gấp gần 4 lần. Một số mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam đã đạt và vượt, như sản lượng điện sản xuất mục tiêu đề ra năm 2010 là 93 tỷ kWh, dự kiến đạt 97 tỷ kWh, chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đề ra đến năm 2010 đạt 90% số hộ dân nông thôn có điện, nhưng đến nay đã đạt trên 95%.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, ngành điện đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập về công tác tổ chức, lúng túng trong công tác điều hành. Mùa khô năm 2010, từ đầu tháng 4 đến tháng 7, việc cung cấp điện thiếu hụt đã xảy ra, lượng điện cung cấp thiếu hụt có tỷ trọng không lớn so với sản lượng điện cả năm 2010; nhưng tập trung vào thời điểm nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Việc thiếu điện trong thời gian qua cũng có những nguyên nhân khách quan, như: do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, từ cuối năm 2009 đến nay, lượng mưa trên cả nước rất thấp so với trung bình nhiều năm, dẫn đến việc khai thác các nhà máy thủy điện bị hạn chế; nắng nóng làm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt tăng đột biến; ngoài ra, trong những tháng đầu năm 2010, do khô hạn diễn ra trên diện rộng, để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong quý I năm 2010, đã tiến hành xả một lượng nước lớn từ các hồ thủy điện, khoảng trên 3,5 tỷ m3, cũng làm giảm đáng kể sản lượng thủy điện.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc đưa các công trình điện vào chậm, do các nguyên nhân cụ thể là: không huy động đủ vốn, công tác giải phóng mặt bằng chậm, công tác chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt để bám sát tiến độ. Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VI, trong giai đoạn 2006 - 2010 cần đưa vào vận hành 14.600 MW, nhưng thực hiện chỉ đạt khoảng 74%. Việc duy trì giá điện thấp cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện, giá thấp không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào phát triển điện.
Từ các bất cập trên, cần rút kinh nghiệm để khắc phục, làm cho tốt; tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện hiện nay, mà có thể còn ảnh hưởng đến việc bảo đảm cấp điện cho các năm tới, nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, trong đó tập trung giải quyết các khâu: vốn, mặt bằng và điều hành.
Để giải quyết về vốn, cơ chế giá điện cần phải xem xét, giá điện là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào phát triển điện, hiện còn bao cấp, giá bán điện thấp dưới giá thành chiếm khoảng 28% sản lượng điện thương phẩm, vẫn còn bù chéo giữa các loại hộ sử dụng điện, bù chéo giữa các vùng; cơ chế điều chỉnh giá theo biến động của tỷ giá, của chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa thực hiện được. Những vấn đề này cần quan tâm giải quyết trong quá trình chuyển giá bán điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Công tác điều hành cần quyết liệt hơn, các dự án chậm tiến độ, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, công tác giải phóng mặt bằng chậm, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.
II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Việt Nam chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chiến lược phát triển 10 năm 2011 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7 - 8%/năm. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, cung cấp đủ điện là một trong những điều kiện tiên quyết, trong thời gian tới; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Bộ Công thương
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện đang xây dựng; giúp chủ đầu tư và các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá việc thực hiện cổ phần hóa các công trình điện, các mặt được và chưa được trong việc thực hiện cổ phần hóa các nhà máy điện và Điện lực Khánh Hòa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các dự án điện.
- Chuẩn bị đề án và các văn bản pháp lý cần thiết cho việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2010 để xem xét cho thực hiện ngay từ năm 2011.
- Hoàn thành Quy định phương pháp lập, trình tự thủ tục thẩm định và ban hành giá bán điện theo cơ chế thị trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2010.
- Sơ kết việc thực hiện các Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và số 80/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010. Hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trình Chính phủ trong đầu quý IV năm 2010 để việc thực hiện được triển khai thống nhất, sớm đi vào cuộc sống khi Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh 11 dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức BOT; sớm hoàn thành đàm phán các hợp đồng của các dự án nhiệt điện: Duyên Hải 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phòng, Nam Định, Vũng Áng 2, Nghi Sơn 2,…
- Đối với các khu công nghiệp có nhu cầu điện lớn, trường hợp đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật và môi trường, có thể cho phép phát triển các nguồn điện để cung cấp điện chủ yếu cho khu công nghiệp và bán điện dư lên lưới điện quốc gia.
- Trình đề án cơ cấu lại các nhà máy điện để hình thành thị trường phát điện cạnh tranh.
- Chủ trì việc lập, thẩm định Quy hoạch điện VII, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2010.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị điện lực và các cơ quan thông tin đại chúng, trường học tổ chức phổ biến, giáo dục và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
- Ban hành quy định về trình tự, thủ tục tiết giảm điện trường hợp mất cân đối cung cầu điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện, công bằng hợp lý giữa các ngành, các địa phương, giữa sản xuất và sinh hoạt.
2. Bộ Tài chính
- Tạm ứng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để mở L/C các dự án nguồn điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 để Tập đoàn sớm khởi công các dự án này, đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam trong những năm tới.
- Chỉ đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lập phương án phát hành trái phiếu quốc tế có sự bảo lãnh của Chính phủ.
- Phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước vay lại để phát triển các dự án điện.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan ban hành cơ chế huy động vốn cho các dự án điện.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) cho các dự án điện, dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
- Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, khu vực Tây Nguyên, các buôn có đông đồng bào Khơ Me khu vực đồng bằng sông Cửu Long,… theo chủ trương của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án điện để sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư - định canh; đảm bảo sớm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm tiến độ xây dựng các công trình điện do công tác giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện quốc gia và của địa phương.
5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Tập trung đủ vốn để hoàn thành đúng tiến độ các dự án điện đang xây dựng do Tập đoàn làm chủ đầu tư và có vốn chi phối.
- Hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khởi công các dự án điện trong năm 2010, gồm các dự án nhiệt điện: Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và dự án thủy điện Lai Châu.
- Tích cực triển khai chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án được giao trong Quy hoạch điện VI.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện cải cách, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ; thực hiện tốt công tác tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn, đưa điện đến các khu vực chưa có điện khu vực nông thôn, miền núi.
6. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Khẩn trương làm việc với các đối tác nước ngoài để sớm khẳng định sản lượng khí, giá khí từ Lô B làm cơ sở xem xét phát triển các dự án điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn.
- Tập trung nguồn vốn, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nguồn điện đang xây dựng do Tập đoàn làm chủ đầu tư: nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2, khẩn trương xây dựng nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú.
7. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
- Tập trung chỉ đạo để đưa vào vận hành ổn định các tổ máy của nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả.
- Thực hiện chức năng làm đầu mối đảm bảo cung cấp đủ than từ nguồn than trong nước và than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than hiện có và dự kiến phát triển.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 80/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 Ban hành: 14/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 79/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Ban hành: 14/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006