Thông báo 201/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công
Số hiệu: 201/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
Ngày ban hành: 24/04/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bảo hiểm, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 201/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG

Ngày 14 tháng 4 năm 2017 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã chủ trì cuộc họp để triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và thảo luận, cho ý kiến về đề cương của các Đề án. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các Bộ, cơ quan liên quan. Sau khi nghe Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, đề cương các Đề án và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao và biểu dương Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị tốt nội dung cuộc họp. Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2017 là cơ quan chỉ đạo việc xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền và triển khai xây dựng các Đề án về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm và cải cách chính sách ưu đãi người có công.

2. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công. Mỗi Đề án lập Ban soạn thảo Đề án do đồng chí Bộ trưởng làm Trưởng Ban để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; lập Tổ giúp việc, Nhóm chuyên gia nòng cốt (gồm các chuyên gia, nhà quản lý có chuyên môn sâu).

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì Đề án chung khi tổng hợp trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Trung ương.

3. Cơ bản tán thành với nội dung đề cương Đề án các Bộ đã báo cáo. Giao các Bộ chủ trì Đề án tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện đề cương chung.

Đề cương chung cần có định hướng cụ thể, trên cơ sở đó các Bộ chủ trì Đề án gửi công văn đến các Bộ, ngành yêu cầu căn cứ đề cương chung để báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chính sách từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX đến nay, nêu rõ những bất cập, phân tích nguyên nhân, nêu đề xuất, kiến nghị cụ thể theo đặc thù của Bộ, ngành.

4. Nội dung các Đề án cần thống nhất theo định hướng sau:

- Bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương 8 khóa IX, Trung ương 6 khóa X, Trung ương 5 khóa XI và Trung ương 7 khóa XI về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (trong đó tập trung chủ yếu vào 9 định hướng cụ thể đã nêu tại Kết luận số 23-KL/TW ngày 29 tháng 5 năm 2012) để đánh giá việc triển khai thực hiện từ năm 2003 đến nay; trên cơ sở đó, tiếp tục cụ thể hóa cho giai đoạn tới và kiến nghị sửa đổi, bổ sung (chú ý bổ sung những nội dung có tính đột phá);

- Cải cách căn bản, toàn diện các nội dung;

- Tập trung đánh giá tình hình và phân tích những bất cập (lương cơ sở, lương tối thiểu, quan hệ tiền lương, hệ thống bảng lương, nâng ngạch, nâng bậc, các chế độ phụ cấp, tiền lương của cán bộ quản lý doanh nghiệp, số người tham gia bảo hiểm xã hội, mức chuẩn ưu đãi người có công,...); chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan;

- Khi tổng hợp thành Đề án chung cần chú ý mối quan hệ và tương quan giữa các chính sách;

- Những vấn đề mới, phát sinh sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII sẽ được tiếp tục bổ sung vào Đề án.

5. Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nghiên cứu, dự thảo Đề án, tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế, hoạt động khảo sát ở Trung ương, địa phương, cả trong và ngoài nước, khảo sát chuyên đề (lực lượng vũ trang, tòa án, kiểm sát, doanh nghiệp, viên chức, công chức cấp xã, các chế độ phụ cấp,...); xây dựng kế hoạch phân công các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia ngay từ đầu vào quá trình khảo sát, nghiên cứu, dự thảo Đề án.

Tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo có thể kết hợp chung hoặc riêng (Ban Chỉ đạo Nhà nước, Ban soạn thảo Đề án của Bộ; tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công; từng ngành hoặc các ngành,...). Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, sát sao để đảm bảo đúng tiến độ xây dựng và trình các Đề án. Đến cuối năm 2017 phải xây dựng xong các Đề án để tổng hợp thành Đề án chung trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Trung ương.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Các Bộ: NV, TC, LĐTBXH, TP, KHĐT, GDĐT, Y tế, VHTTDL, KHCN, TTTT, GTVT, TNMT;
- Thành viên BCĐTW về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KTTH (3). G

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp