Thông báo số 197/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: | 197/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 08/08/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 197/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH THUẬN
Ngày 22 tháng 7 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2008, ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
I. TÌNH HÌNH CHUNG:
Cùng với cả nước, tỉnh Bình Thuận cũng đã thực hiện được một nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh, kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện; đặc biệt 6 tháng đầu năm nay, mặc dù giá cả quốc tế và trong nước có những biến động lớn, thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế của Tỉnh vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ cao, GDP tăng 17,4%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 31,4%; xuất khẩu tăng 9,4%, thu ngân sách tăng 48,66%; hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách tăng 12,8%, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ được triển khai nghiêm túc và bước đầu có chuyển biến tích cực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự cố gắng và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tỉnh Bình Thuận đã đạt được.
Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa nhanh, kinh tế tuy tăng trưởng khá, nhưng công nghiệp và xuất khẩu còn tăng ở mức thấp so với kế hoạch; quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn có mặt hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong thời gian tới, Tỉnh cần sơ kết giữa nhiệm kỳ; đánh giá, khẳng định những mặt được để phát huy, những tồn tại yếu kém và nguyên nhân để đề ra giải pháp, phấn đấu thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2008 và những năm còn lại của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận phải cố gắng hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khai thác có hiệu quả cao nhất các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Tỉnh cần chú ý làm tốt công tác quy hoạch, xác định cơ cấu kinh tế hợp lý trong từng ngành, đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm, bảo vệ môi trường.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, tiếp tục tập trung thực hiện tốt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2008. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm vốn lưu động cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước Tỉnh phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bám sát, giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín dụng, ngân hàng; tiếp tục rà soát để điều chỉnh, cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ để tập trung vốn cho các công trình, dự án cấp bách, sớm phát huy được hiệu quả; đẩy mạnh việc thu hút và giải ngân nhanh vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài quốc doanh; quản lý thật tốt thị trường, giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng, lãi suất tín dụng; quản lý ngoại tệ; chống đầu cơ đẩy giá lên cao gây tâm lý hoang mang cho xã hội, tác động tiêu cực đến kiềm chế lạm phát; quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, trước hết là thực hiện tốt những chính sách hiện có, trợ giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và giá cả tăng cao; chủ động triển khai nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
Đối với các đề nghị của Tỉnh đã có ý kiến kết luận của Thủ tướng: giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành liên quan thực hiện.
1. Về sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn từ Dầu Giây đến Phan Thiết: Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh Dự án và trình duyệt theo quy định; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu vận động nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để bố trí vốn cho Dự án.
2. Về bố trí vốn mở rộng Quốc lộ 55 trên địa bàn Tỉnh: đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn II.
3. Về đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc thành phố Hồ Chí Minh đi Nha Trang: Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với phía Nhật Bản để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và sẽ được xử lý chung toàn tuyến; về việc di dời Ga Phan Thiết đến vị trí Ga mới: Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện.
4. Về bổ sung sân bay quốc tế của Tỉnh vào quy hoạch chung: giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về nâng quy mô Khu Neo đậu tránh trú bão Phú Quý thành Khu Tránh trú bão cấp Vùng, quy mô 1.000 chiếc/600 CV: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu và giao Tỉnh làm chủ đầu tư.
6. Về điều chỉnh Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 14/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ chuyển nguồn vốn thực hiện từ ngân sách địa phương sang nguồn vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở và xâm thực bờ biển Đảo Phú Quý: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu và giao Tỉnh làm chủ đầu tư.
7. Về các đề nghị liên quan đến công tác quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản Titan - Zircon trên địa bàn Tỉnh: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiến hành công tác khảo sát, thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng, chất lượng khoáng sản trên địa bàn Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kinh phí chi cho công tác khảo sát, thăm dò trích từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2008. Trên cơ sở đó, tiến hành quy hoạch phục vụ cho công tác khai thác, chế biến. Trong khi chưa có kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường,Tỉnh chưa cấp phép đầu tư thêm các dự án mới có liên quan.
8. Về quy hoạch Trung tâm nhiệt điện Sơn Mỹ: giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ; lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường.
9. Về xây dựng tuyến kênh tiếp nước sau Thủy điện Đại Ninh phục vụ tưới nước cánh đồng Hàm Thuận Bắc: đồng ý về chủ trương; Tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh Dự án; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
10. Về phân chia lãnh hải cho Tỉnh quản lý: Thực hiện theo quy định hiện hành.
11. Về việc giao cho Tỉnh số thu dầu khí phát sinh toàn bộ các mỏ thuộc lô 15.1 và phân cấp nguồn thu 2 mỏ Rạng Đông và Ru Bi: Thực hiện theo quy định hiện hành.
12. Về việc trích một phần nguồn thu dầu khí nộp ngân sách trung ương để hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình cho ngư dân ảnh hưởng khai thác dầu khí, thu hẹp ngư trường: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu và giao Tỉnh làm chủ đầu tư.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2014 về Chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm Ban hành: 28/02/2014 | Cập nhật: 04/03/2014
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39/2012/QH13 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai Ban hành: 07/02/2013 | Cập nhật: 19/02/2013
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê Ban hành: 02/03/2010 | Cập nhật: 04/03/2010
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2008 về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 24/03/2008 | Cập nhật: 26/03/2008
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2007 về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận Ban hành: 14/03/2007 | Cập nhật: 24/03/2007
Quyết định 312/QĐ-TTg năm 2006 về việc thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng thuộc Bộ Giao thông vận tải Ban hành: 14/02/2006 | Cập nhật: 20/05/2006