Thông báo 196/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014
Số hiệu: 196/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Viết Muôn
Ngày ban hành: 12/05/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI DOANH NGHIỆP NĂM 2014

Ngày 28 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014. Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh cùng chủ trì Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Y tế, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, lãnh đạo 52 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, 5 hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 282 doanh nghiệp trong nước, 46 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 doanh nghiệp nhà nước.

Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng quan tình hình phát triển doanh nghiệp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp; phát biểu của Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Hoan nghênh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, công phu đánh giá, phân loại, tổng hợp hơn 300 kiến nghị trên 11 lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Đánh giá cao các cơ quan đã tổ chức tốt Hội nghị đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Trân trọng những ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đóng góp cho Chính phủ và đồng tình với phát biểu của các đồng chí Bộ trưởng tiếp thu và giải đáp các vướng mắc, kiến nghị tại Hội nghị này.

2. Những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới chậm phục hồi tác động xấu nền kinh tế đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ tăng; tốc độ tăng trưởng duy trì hợp lý, năm sau cao hơn năm trước; triển khai 3 khâu đột phá về thể chế kinh tế thị trường, về xây dựng kết cấu hạ tầng, về đào tạo nguồn nhân lực đạt được kết quả bước đầu; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; an ninh quốc phòng được giữ vững; vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành quả nêu trên của đất nước có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu. Qua khó khăn, doanh nghiệp trưởng thành hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, khả năng hội nhập và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực phấn đấu, kết quả đạt được của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động còn ít so với quy mô dân số; 97% - 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiệu quả kinh doanh chưa cao, khả năng sử dụng lao động thấp; sức cạnh tranh của doanh nghiệp tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt; năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc...

3. Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng ngày càng vững chắc để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát; giảm lãi suất; ổn định tỷ giá; bảo đảm cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định...

Đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 5,8%, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có bước phát triển ổn định, bền vững hơn..

Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ trong kinh tế, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Phá sản,...

Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra,... Các Bộ, ngành rà soát lại thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp.

Tăng cường giám sát và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Nhà nước.

b) Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, đồng thời bảo đảm chất lượng tín dụng, cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao trước đây.

Đưa Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sớm đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Phát triển nguồn vốn thông qua thị trường chứng khoán để doanh nghiệp huy động được các nguồn vốn trung, dài hạn cho đầu tư phát triển.

c) Tái cơ cấu doanh nghiệp

Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện và thông qua các hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ cần thiết, đúng pháp luật cho doanh nghiệp, về phần mình, các doanh nghiệp phải chủ động nỗ lực vươn lên, thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh để hoạt động hiệu quả, có năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, khả năng cạnh tranh lớn hơn; hết sức chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

d) Hỗ trợ tiếp cận thị trường

- Đối với thị trường trong nước:

Xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng, quyết liệt trong hoạt động phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính phủ sẽ làm hết sức để tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư công, tăng tín dụng, tạo thị trường, sức mua cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp phải vươn lên với mẫu mã, chất lượng, giá cả ngày càng cạnh tranh hơn.

Doanh nghiệp phải quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trước hết là trong quan hệ với người lao động để người lao động chung sức xây dựng doanh nghiệp cùng phát triển, cùng có lợi; những doanh nghiệp có điều kiện thi tham gia đóng góp cho xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm từ thiện; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tiền lương, bảo hiểm, nghĩa vụ nộp thuế...

- Đối với thị trường nước ngoài:

Chính phủ tích cực đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế để mở rộng thị trường ngoài nước, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập mạnh hơn vào thị trường nước ngoài. Cung cấp thông tin để doanh nghiệp tham gia, tham vấn trong quá trình đàm phán ký kết, khai thác tối đa những thuận lợi các hiệp định tạo ra.

Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tích cực đóng góp vào hoạt động tìm kiếm, mở rộng và giữ thị trường.

4. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, phân loại, chuyển các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị này đến từng Bộ, ngành có liên quan và yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

6. Để tạo ra chuyển biến thực sự trong mối quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo dõi việc thực hiện Kết luận Hội nghị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hàng quý báo cáo Chính phủ./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Phòng Thương mại & Công nghiệp VN;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg CP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn