Thông báo số 196/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp bàn về việc đưa thông tin đến người dân ở cấp xã, thôn
Số hiệu: | 196/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 09/07/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 196/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP BÀN VỀ VIỆC ĐƯA THÔNG TIN ĐẾN NGƯỜI DÂN Ở CẤP XÃ, THÔN
Ngày 25 tháng 6 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, đơn vị để bàn về việc đưa thông tin đến người dân ở cấp xã, thôn. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công thương, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Công ty viễn thông Quân đội (Viettel).
Sau khi nghe đại diện các Bộ báo cáo; ý kiến của đại diện Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Công ty viễn thông Quân đội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp thông tin cho người dân ở các xã thông qua các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), các trang điện tử và hoạt động của các đội thông tin lưu động, thư viện, nhà văn hóa xã …. Qua đó, thông tin, tuyên truyền đến người dân ở các xã về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn, chỉ đạo thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang bộ, thông tin về thị trường, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, lao động – việc làm cũng như việc giải đáp chính sách, pháp luật cho người dân … ngày càng được cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác hơn.
Tuy nhiên, việc tổ chức cung cấp thông tin cho người dân ở các xã vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nội dung thông tin chưa được chọn lọc cho phù hợp đặc điểm, tập quán các miền vùng và trình độ nhận thức của người dân ở cấp thôn, xã; việc tổ chức khai thác và tuyên truyền, phổ biến thông tin tại các xã nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, kém hiệu quả. Về cơ bản vẫn là thông tin một chiều từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể đến người dân, thông tin chiều ngược lại còn ít; việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng không cao, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức v.v…
2. Việc thiết lập và vận hành hệ thống thông tin hai chiều từ Trung ương đến cấp thôn, xã một cách đồng bộ, hiệu quả trong tình hình hiện nay là nhu cầu cấp bách, cần phải đổi mới cách làm, bổ sung cơ chế theo hướng: tích hợp hệ thống thông tin; lồng ghép để phát huy tổng hợp các nguồn lực từ các chương trình, dự án của các Bộ, ngành; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng từ Trung ương đến các xã. Trước mắt, cần tập trung làm tốt việc sau đây:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chương trình, dự án đưa thông tin đến xã đã và đang thực hiện, từ đó, xây dựng Đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn để thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong 2 – 3 năm tới; trình Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 9 năm 2009.
b) Việc xây dựng Đề án cần đảm bảo các yêu cầu:
- Đây là Đề án cấp quốc gia, do vậy, cần có biện pháp và lộ trình thích hợp, có sự chỉ đạo đồng bộ của 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Ở Trung ương, do Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, cơ quan thường trực là Bộ Thông tin và Truyền thông, với sự tham gia của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 3 – 4 doanh nghiệp viễn thông lớn. Ở cấp tỉnh, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, với sự tham gia của các Sở, cơ quan liên quan. Ở cấp xã, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện;
- Về nội dung: Trước hết là thông tin, tuyên truyền phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và đào tạo nghề cho nông dân; phổ biến kiến thức về thị trường – giá cả, y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, lao động – việc làm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tìm thân nhân liệt sỹ …; kết hợp hài hòa với việc tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với trình độ của đối tượng tiếp nhận thông tin;
- Về phương tiện: Làm rõ cơ chế, điều kiện để thông tin hai chiều thông suốt, kịp thời, hiệu quả và để mỗi loại hình thông tin (phát thanh, truyền hình, truyền thanh, Internet và sách, báo) vừa phát huy được lợi thế của mình vừa bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhằm đưa thông tin, kiến thức đầy đủ, phù hợp đến địa bàn xã, thôn bản;
- Về thiết bị đầu cuối: Lựa chọn, sử dụng địa điểm thích hợp với từng địa phương, cơ sở như: các trường học, nhà văn hóa xã, điểm bưu điện – văn hóa xã, trụ sở Ủy ban nhân dân xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng … để lắp đặt thiết bị nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả thiết bị đầu cuối.
- Về lực lượng triển khai: Bên cạnh lực lượng chuyên trách, chuyên nghiệp của ngành phát thanh, truyền hình cấp quốc gia và cấp tỉnh, huyện, của các Bộ, cần quan tâm phát huy các lực lượng cộng tác viên, hợp đồng ở cơ sở, lực lượng xung kích của Đoàn thanh niên, lực lượng nòng cốt của Hội nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội khuyến học ở xã để đưa thông tin phù hợp và kịp thời, hiệu quả cao tới các đối tượng ở xã.
c) Tiến độ xây dựng Đề án:
- Đến 30 tháng 7 năm 2009: Hoàn thành đề cương chi tiết, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan;
- Đến 20 tháng 8 năm 2009: Hoàn thành dự thảo Đề án chi tiết, chuẩn bị nội dung để Phó Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến với các Bộ, cơ quan liên quan và khoảng 20 địa phương;
- Cuối tháng 8 năm 2009: Hoàn chỉnh Đề án, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2009.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |