Thông báo số 185/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Thông tấn xã Việt Nam
Số hiệu: 185/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 24/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thông tin báo chí, xuất bản, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 185/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Nhân kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2009), ngày 17 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Thông tấn xã Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, cơ quan tham dự buổi làm việc, Thủ tướng đã kết luận như sau :

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG:

Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và công nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam đã nêu cao tinh thần cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp cách mạng nước ta.

1. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy khó khăn, ác liệt, thông tin của Thông tấn xã thực sự là nguồn động viên, cổ vũ to lớn và kịp thời phong trào thi đua yêu nước, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta ở cả tiền tuyến và hậu phương, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh thắng quân xâm lược, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

2. Đồng hành với công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước, Thông tấn xã Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức, có nhiều cố gắng tự đổi mới để vươn lên trở thành một hãng thông tấn lớn, có uy tín trong khu vực và quốc tế, với mạng lưới phân xã rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 27 phân xã ở nước ngoài thuộc khắp 5 châu lục, có quan hệ hợp tác quốc tế với gần 40 hãng thông tấn và cơ quan báo chí trên khắp thế giới.

Với gần 40 ấn phẩm khác nhau, thông tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày càng đa dạng phong phú đảm bảo chất lượng và tính thời sự, kết hợp hài hòa giữa thông tin đối nội và đối ngoại, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ; là nguồn thông tin chính thức, có tính định hướng và tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác các thông tin sai trái của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

3 . Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam phát triển khá nhanh cả về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng cao; giữ gìn được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước được trang bị hiện đại và đồng bộ; điều kiện, phương tiện làm việc và đời sống của cán bộ, phóng viên, công nhân viên được quan tâm và có bước được cải thiện.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thông tấn xã Việt Nam cần chủ động, tích cực khắc phục một số khuyết điểm, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu nhanh nhạy, chưa chính xác, bỏ sót sự kiện, vấn đề và thiếu tính phát hiện; cách thể hiện thông tin còn thiếu hấp dẫn, việc phát triển các loại hình thông tin mới còn chậm; thông tin phản bác các luận điệu sai trái, chỉnh hướng các thông tin sai lệch còn chưa nhiều, chưa kịp thời và chưa thật sắc bén; tác phong làm việc của một bộ phận cán bộ, phóng viên chưa sâu sát thực tiễn, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Là một bộ phận quan trọng của báo chí Cách mạng Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cần phải được đổi mới và phát triển thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh với các loại hình thông tin đa dạng, xứng đáng là trung tâm thông tin chiến lược mạnh và tin cậy của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện tốt vai trò này, Thông tấn xã Việt Nam cần tập trung làm tốt một số việc sau đây:

Một là, quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên và tổ chức thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, Nghị định số 24/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thông tấn xã Việt Nam. Cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định pháp lý cần thiết, đảm bảo cho Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao.

Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên theo hướng thiết thực, toàn diện cả về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành, công nghệ làm báo và trình độ ngoại ngữ; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để khai thác, phát huy kinh nghiệm, sự từng trải của lớp cán bộ đi trước với sự năng động, nhạy bén trong tiếp thu cái mới, dám nghĩ dám làm của lớp trẻ hôm nay. . . để thông tin của Thông tấn xã Việt Nam không chỉ chuẩn xác, đúng định hướng mà còn nhanh nhạy, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh lành mạnh ở trong nước và quốc tế.

Ba là, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý và thông tin đối ngoại; đẩy mạnh phát triển dịch vụ cung cấp thông tin nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội. Cần đi sâu, đi sát cuộc sống, tuyên truyền sâu rộng kết quả thực hiện các Nghị quyết của Đảng, việc thực thi các chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện, biểu dương cái tốt, cái đúng, phê phán cái xấu, cái sai; đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền đối với vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới - hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn . . .

Bốn là, đi đôi với việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, cần đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cơ chế quản lý phù hợp với yêu cầu mới; chăm lo cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện tốt hơn.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:

1. Đồng ý với đề nghị của Thông tấn xã Việt Nam về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của Thông tấn xã Việt Nam trong hệ thống báo chí - truyền thông Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo các quy định hiện hành.

Thông tấn xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ soạn thảo Chỉ thị nói trên, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.

2 . Về đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin, kho lưu trữ tư liệu thông tin quốc gia và trang bị phương tiện làm việc cho phóng viên, biên tập viên:

Đồng ý về nguyên tắc. Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư trong quy hoạch đến năm 2010, trên cơ sở đó lập dự án, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin kho lưu trữ tư liệu thông tin và trang bị phương tiện làm việc cho phóng viên, biên tập viên cần đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và hiện đại, đáp ửng yêu cầu hội nhập và phát triển.

3 . Về đề nghị cho phép Thông tấn xã Việt Nam được xây dựng kênh truyền hình riêng:

Đồng ý về chủ trương. Thông tấn xã Việt Nam làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề án, tổ chức thẩm định đề án theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Kênh truyền hình thông tấn cần được nghiên cứu, xây dựng theo hướng áp dụng công nghệ truyền hình số, truyền hình Intemet; đồng thời, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam để sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

4. Về đề nghị có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để phát triển tờ Báo ảnh Việt Nam và Báo Tin tức:

a) Đồng ý có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho Báo ảnh Việt Nam để phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại theo quy định hiện hành. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Thông tấn xã Việt Nam làm việc cụ thể với Văn phòng Chính phủ để thống nhất nội dung cơ chế quản lý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc đưa Báo Tin tức trở thành kênh thông tin chính thức của Chính phủ bên cạnh Báo điện tử Chính phủ.

5 . Về đề nghị cho phép Thông tấn xã Việt Nam thực hiện thí điểm cơ chế tài chính đặc thù:

Đồng ý với đề nghị này. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đánh giá lại việc thực hiện chế độ tài chính mà Thủ tướng cho phép Thông tấn xã áp dụng trong thời gian qua, trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng các quy định hiện hành, xây dựng cơ chế cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Cơ chế tài chính đặc thù cho Thông tấn xã Việt Nam cần đảm bảo các yêu cầu: phát huy các lợi thế sẵn có, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin theo nhu cầu xã hội và tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của Thông tấn xã Việt Nam, tạo điều kiện để Thông tấn xã Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, phát triển đi đôi với quản lý tốt.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Thông tấn xã Việt Nam, các Bộ và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ngoại giao;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Các Vụ: TH, KTTH, KTN, QHQT, TCCV, TKBT, Cồng TTĐT;
- Lưu: VT, KGVX (05), HVB 37

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc