Thông báo số 179/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Số hiệu: 179/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 30/07/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 179/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

Ngày 19 tháng 7 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, ngành và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

Thực tế ngày càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác điều phối trong việc điều hành, phát triển kinh tế các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá một số loại vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn giữ ở mức khá (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2007); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Các tỉnh trong vùng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, thu hút đầu tư tiếp tục đạt cao nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, công tác điều phối tại Vùng kinh tế trong điểm phía Nam còn nhiều hạn chế, việc phối hợp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị trước còn chậm; một số vấn đề cấp bách như phát triển giao thông, xử lý chất thải nguy hại, bảo vệ môi trường... chưa được giải quyết một cách đồng bộ mang tính liên ngành, liên vùng; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong một số dự án đầu tư hạ tầng chưa hiệu quả, nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân chậm, giảm hiệu quả đầu tư (trên địa bàn cả nước, 6 tháng đầu năm 2008 vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ giải ngân được khoảng 27%-28%, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 13%).

2. Một số công việc cần triển khai trong thời gian tới:

Từ nay đến cuối năm 2008, công tác điều phối phải bám sát tinh thần chỉ đạo, đó là, tiếp tục thực hiện việc kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định thị trường tài chính tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

- Văn phòng Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị giao ban điều phối cấp Vùng 6 tháng một lần; chủ động tổ chức các Hội thảo, giao ban trực tuyến với các chủ đề thiết thực, cụ thể và mang tính chất liên ngành, liên vùng.

- Về xử lý ô nhiễm môi trường: cần kiên quyết hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các tỉnh trên từng lưu vực sông, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, lộ trình xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Về cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn: giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai các dự án và thống kê, đánh giá hiệu quả hoạt động các cơ sở đã có; đặc biệt là các cơ sở xử lý mang tính liên Vùng, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo và các địa phương tổ chức giao ban để giải quyết các vướng mắc.

- Về phát triển công nghiệp Vùng: hiện nay, phân bố một số ngành công nghiệp trong Vùng có dấu hiệu mất cân đối, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương trong Vùng xem xét, đề xuất các giải pháp điều phối các dự án, cân đối cơ cấu công nghiệp giữa các địa phương phục vụ phát triển kinh tế toàn Vùng.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đề xuất các giải pháp và tập trung thực hiện các dự án đảm bảo nhu cầu năng lượng, đáp ứng tốc độ phát triển công nghiệp Vùng. Về đề nghị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được sử dụng một phần khí từ hệ thống đường khí thấp áp, Bộ Công Thương phối hợp với Tỉnh xem xét, giải quyết.

- Về đào tạo nguồn nhân lực: trong điều kiện lượng vốn FDI tăng nhanh, các tỉnh chủ động phối hợp với các nhà đầu tư đề xuất nhu cầu đào tạo nhân lực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan căn cứ vào cơ cấu đầu tư, đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt cũng như lâu dài.

- Về thành lập Quỹ đầu tư Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh thuộc Vùng nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn tạo quỹ và cơ chế tài chính phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với các Tổ điều phối của các Bộ, ngành tổng hợp, trả lời từng đề nghị đã được các địa phương trong Vùng đưa ra trong Hội nghị giao ban lần này, tiến hành kiểm điểm công tác giải quyết các vấn đề đó ở kỳ họp sau.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam biết, thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- TU, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX;
- Lưu VT, ĐP (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.