Thông báo số 179/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tại cuộc họp ban chỉ đạo
Số hiệu: 179/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 24/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 179/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH SẢN PHẨM CƠ KHÍ TRỌNG ĐIỂM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO

Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình thực hiện Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam; lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90; các Viện Nghiên cứu: Cơ khí, Máy và Dụng cụ công nghiệp và Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung - Ninh Bình.

Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tình hình thực hiện Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và các dự án đầu tư; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, Tập đoàn, Tổng công ty; Hiệp hội các doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, Hội Cơ khí Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

a) Những mặt được:

Trong thời gian qua, ngành Cơ khí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến bước đầu ở một số lĩnh vực, như: Cơ khí đóng tàu, cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, cơ khí giao thông, cơ khí nông nghiệp, cơ khí năng lượng mỏ, cơ khí chế tạo thiết bị và vật liệu điện...Nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí đã từng bước đổi mới, nâng cao khả năng thiết kế, năng lực thiết bị và công nghệ, trình độ quản lý và điều hành nên đã hoàn thành việc đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC; đóng mới tàu biển trọng tải lớn thay thế nhập khẩu và xuất khẩu; sản xuất, lắp ráp ô tô tải, ô tô chở khách; chế tạo nhiều chủng loại thiết bị cung cấp cho các dự án lớn, trọng điểm thuỷ điện, xi măng, giấy, mía đường...Những kết quả đạt được của ngành Cơ khí đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội vì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b) Những hạn chế:

- Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, ngành Cơ khí trong những năm qua còn những hạn chế, đặc biệt là công tác xây dựng quy hoạch phát triển từng chuyên ngành, nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc đầu tư, sản xuất, cung cấp các sản phẩm cơ khí; dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm then chốt chưa được xác định rõ; chưa chú trọng việc nâng cao năng lực thiết kế, tư vấn, lập dự án đầu tư.

- Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cơ khí còn thấp, do chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao, chất lượng thấp, việc triển khai các dự án còn chậm.

2. Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới:

1. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ nhằm phát triển ngành Cơ khí Bộ Công Thương cần khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và tập trung chỉ đạo thực hiện một số việc sau:

a) Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.

Trên cơ sở đánh giá đầy đủ những thành tựu đạt được và những nguyên nhân yếu kém của ngành Cơ khí giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2007, rà soát kỹ lại các dự án đầu tư thuộc 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, từ đó lựa chọn các dự án, sản phẩm theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2007.

b) Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90; các Viện Nghiên cứu cơ khí nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tư vấn, lập dự án đầu tư; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ tốt môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu, tạo thêm nhiều sản phẩm cơ khí có khả năng cạnh tranh cao.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bổ sung, hoàn chỉnh Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ cho các dự án sản xuất sản sản phẩm cơ khí trọng điểm, theo nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thông lệ quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2007.

d) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm giải pháp đầu tư có hiệu quả cho công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ, tay nghề cao để cung cấp kịp thời cho ngành Cơ khí

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê chính xác số liệu liên quan đến ngành cơ khí, trong đó đặc biệt là thống kê số liệu xuất, nhập khẩu sản phẩm cơ khí hàng năm; bố trí đủ vốn cho công tác lập quy hoạch các sản phẩm cơ khí còn thiếu.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đề xuất Chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho một số sản phẩm cơ khí trọng điểm và cơ chế hỗ trợ đầu tư cho một số trung tâm thử nghiệm, kiểm định công nghệ cao đối với các sản phẩm trên.

4. Hiệp Hội cơ khí Việt Nam chủ chì, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90; các Viện Nghiên cứu cơ khí xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Cơ khí để làm cơ sở tra cứu nhằm tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và các cơ quan liên quan, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ngân hàng NNVN;
- Văn phòng TW;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo CTSPCKTĐ;
- Hiệp Hội các doanh nghiệp Cơ khí VN;
- Hội Cơ khí VN;
- Các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Công nghiệp Tàu thủy;
- Các Tổng công ty 91, 90: Công nghiệp ô tô Việt Nam, Lắp máy Việt Nam, Máy động lực và Máy nông nghiệp, Máy thiết bị Công nghiệp, Cơ khí Xây dựng, Thiết bị kỹ thuật điện, Cơ điện-Xây dựng Nông nghiệp Thủy lợi;
- Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp;
- Viện Nghiên cứu Cơ khí;
- Xí nghiệp cơ khí Quang Trung - Ninh Bình;
- VPCP:BTCN, PCN Văn Trọng Lý, các Vụ: Website CP, KTTH, TH;
- Lưu: VT, CN (3).100

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.