Thông báo 175/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: 175/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Viết Muôn
Ngày ban hành: 14/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 175/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 23 tháng 4 năm 2012, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì buổi làm việc về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến các Bộ và một số doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý I năm 2012, Phó Thủ tướng đã kết luận như sau:

I. Đánh giá chung:

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh chung cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song, nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao của lãnh đạo thành phố, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã đạt được kết quả tích cực, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cho hơn mức bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố tăng 7,4%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,6%, khu vực nông nghiệp tăng 4,5%... Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng hóa tham gia cung ứng dồi dào, phong phú, chất lượng đảm bảo và bán theo giá đăng ký, mạng lưới phân phối rộng khắp đã góp phần làm tốt an sinh xã hội, kìm chế làm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần vào kết quả chung của cả nước.

Thống nhất đánh giá chung của thành phố về tình hình khó khăn của các doanh nghiệp thời gian vừa qua, khó hơn cả là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Thành phố cần làm rõ hơn nguyên nhân để có giải pháp thiết thực, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

II. Các đề xuất - kiến nghị của thành phố và các doanh nghiệp

1. Về mục tiêu: Chính phủ tiếp tục điều hành đảm bảo thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra; ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội nhưng linh hoạt hơn.

2. Về các chính sách tài chính, tín dụng

Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ chưa nới lỏng chính sách tài chính, tín dụng, sẽ điều hành linh hoạt, với cơ cấu hợp lý, hài hòa vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, bền vững.

Về lãi suất có giảm tuy vẫn còn ở mức khá cao; tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, xu hướng tốt hơn. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện nghiêm mức trần lãi suất quy định; xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm nhằm thực hiện công bằng, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất nhanh hơn khi có điều kiện, điều chỉnh cơ cấu tín dụng, linh hoạt hơn để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời có giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, không để xảy ra biến động, rủi ro.

3. Về tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp

a) Việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt nghiên cứu hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thực hiện thủ tục đăng ký lại nếu vẫn muốn tiếp tục được hoạt động sau khi hết thời hạn theo quy định của Giấy chứng nhận đầu tư. Đề xuất sửa đổi Điểm a Khoản 2 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp trình Quốc hội thông qua trong năm 2013.

b) Về ghi nhận giá trị đầu tư bằng ngoại tệ:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hướng dẫn thực hiện theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối đối với việc ghi nhận giá trị đầu tư bằng ngoại tệ của tổng vốn đầu tư, vốn điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư và việc quy đổi giá trị tương đương bằng tiền đồng Việt Nam cần xem xét theo hướng thận trọng, phù hợp với cam kết quốc tế.

c) Tăng tính chủ động trong việc cấp giấy phép đầu tư cho thành phố:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sớm có chế tài hướng dẫn cụ thể Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ để xử lý, giải quyết sự chậm trễ của các cơ quan trong việc có ý kiến trả lời khi thành phố cấp giấy phép đầu tư nước ngoài theo hướng đồng ý với đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

4. Về cơ chế, các chính sách thuế và an sinh xã hội

a) Về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư:

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát quy định của Nghị định số 75/2011/NĐ-CP để đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết để có các ưu đãi hơn đối với một số lĩnh vực trọng điểm (công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực xuất khẩu…) nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh.

b) Về xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu của ngành cơ khí:

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất lập hàng rào kỹ thuật theo quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

c) Về cơ chế tài chính của dự án “Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2”:

Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Về các kiến nghị liên quan đến gia hạn, miễn, giảm, xử lý nợ cho các doanh nghiệp:

Đồng ý nguyên tắc có hỗ trợ, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy định bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định tại Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường.

e) Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý thuế bảo vệ môi trường áp dụng cho túi nilông làm từ nguyên liệu PP và PE theo hướng bình đẳng, có lố trình, có thời hạn nộp.

5. Về chính sách đảm bảo an sinh xã hội:

Đồng ý cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh được bảo lưu đến hết năm 2013 nguồn vốn trung ương để tiếp tục cho vay hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Trong thời gian tới, thành phố cần chủ động bố trí từ nguồn ngân sách của thành phố để bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hộ nghèo theo chuẩn của thành phố.

6. Về các chính sách, quy định pháp luật về đất đai trong việc xác định loại đất nông nghiệp để tính hỗ trợ, thu hồi, đền bù.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, hướng dẫn thành phố xử lý các trường hợp cụ thể theo thẩm quyền đối với các nội dung còn vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc quyết định hỗ trợ khác đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng quy định tại Điều 23 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ.

7. Về thị trường bất động sản:

Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2012 việc giãn nộp thuế quyền sử dụng đất, theo hướng doanh nghiệp được giãn nộp thuế cho đến khi hoàn thiện móng, khi ký hợp đồng nộp 30% giá trị, còn tiếp theo làm đến đâu nộp đến đó.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo chính sách giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu nợ và tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sắp hoàn thành, có phương án kinh doanh hiệu quả.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương khẩn trương rà soát, nắm tình hình các doanh nghiệp; đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc thoái vốn khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; cơ chế hỗ trợ vốn giữa công ty mẹ và công ty con trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con.

10. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện biện pháp phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, đưa hàng hóa, dịch vụ về nông thôn; tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất.

11. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đến năm 2015.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp;
- UBND thành phố Hồ Chí Minh;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: TH, KTN, KTTH, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn