Thông báo số 175/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác phòng, chống đại dịch cúm năm 2009
Số hiệu: | 175/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 13/06/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM NĂM 2009
Ngày 12 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người (Ban Chỉ đạo quốc gia). Tham dự có Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo và ý kiến của Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm A(H1N1) là bệnh dịch lây lan nhanh, gây nguy hiểm với sức khoẻ và tính mạng con người. Đến ngày 12 tháng 6 năm 2009, tại 75 quốc gia đã có gần 30.000 người nhiễm dịch và dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng. Cũng trong ngày 12 tháng 6 năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định nâng mức cảnh báo đại dịch cúm lên cấp độ 6 - là mức cao nhất, chính thức xác nhận đại dịch cúm 2009 trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, chúng ta đã có ý thức đề phòng ngay sau khi được thông báo về dịch cúm A(H1N1) xuất hiện tại Mê hi cô và có nguy cơ lan rộng toàn cầu. Từ cuối tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế thường xuyên nắm chắc tình hình, áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, phát hiện sớm người nhiễm cúm tại các cửa khẩu, kịp thời cách ly điều trị, hạn chế tối đa việc lây lan. Tuy nhiên, do mật độ người nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn và do đặc tính của loại vi rút cúm này, nên đến ngày 12 tháng 6 năm 2009, đã xác định có 24 người dương tính với cúm A(H1N1), trong đó 22 trường hợp nhiễm cúm từ các nước có dịch mang về Việt Nam và làm lây thêm 02 người thân trong gia đình ở tại Việt Nam.
Tình hình đại dịch đặt ra yêu cầu nhiệm vụ rất cấp bách đối với đất nước ta là: phải bằng mọi nỗ lực cao nhất, bằng mọi giải pháp thích hợp nhất, huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm ngăn chặn bằng được, không để lây lan rộng, không để dịch cúm này trở thành đại dịch ở nước ta. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần phải xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột xuất, phải tập trung sức thực hiện yêu cầu nhiệm vụ này với trách nhiệm cao nhất trước sức khoẻ và tính mạng nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia và ngành Y tế cần tiếp tục nỗ lực cố gắng cao nhất, làm tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền, đồng thời là lực lượng nòng cốt chủ yếu trong việc phòng chống đại dịch cúm.
Cơ bản nhất trí với Ban Chỉ đạo quốc gia về những đánh giá, dự báo tình hình đại dịch cúm và những giải pháp cần tiếp tục triển khai ngay. Trong đó cần phải đặc biệt tập trung làm tốt một số nội dung công tác sau:
1. Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia - Bộ trưởng Bộ Y tế:
- Chỉ đạo theo dõi, nắm chắc diễn biến đại dịch trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam để có các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. Không để bị động, bất ngờ.
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin với trách nhiệm cao cho nhân dân về đại dịch cúm để mọi người có thêm hiểu biết, nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, đường lây truyền, cách phòng tránh, cách điều trị dịch cúm, để tự bảo vệ bản thân, thân nhân và cộng đồng. Tránh việc chủ quan coi thường đại dịch, nhưng không gây hoang mang lo sợ.
- Tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát phát hiện sớm người nhiễm cúm, áp dụng các biện pháp phù hợp cách ly, điều trị dứt điểm; tổ chức quyết liệt việc bao vây dập dịch, kiên quyết không để lây lan.
- Chỉ đạo khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, hóa chất, thuốc men phòng, chống dịch; kịp thời bổ sung, thay thế, bảo đảm luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phòng, chống đại dịch trong mọi tình huống.
- Lập các phương án huy động nguồn lực của các bộ, ngành, các địa phương tham gia công tác phòng, chống đại dịch ở các cấp độ khác nhau. Tổ chức tập huấn, giao ban trực tuyến thường xuyên, đột xuất để phổ biến, hướng dẫn phác đồ điều trị cúm A(H1N1) đến tận tuyến y tế cơ sở, nhất là những địa bàn phát hiện nhiều trường hợp nhiễm cúm, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Tổ chức thực hành, diễn tập phòng, chống đại dịch cúm khi cần thiết.
- Tiếp tục chỉ đạo hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các nước đã có dịch cúm để cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và vận động sự hỗ trợ giúp đỡ quốc tế cho việc phòng chống đại dịch ở Việt Nam.
2. Các Bộ, ngành là Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp và tham gia quyết liệt với trách nhiệm cao nhất, cùng Bộ Y tế phòng, chống đại dịch cúm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Y tế và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |