Thông báo 173/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban trực tuyến với địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 4 năm 2012
Số hiệu: 173/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
Ngày ban hành: 14/05/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 173/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN TRỰC TUYẾN VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 2012

Ngày 26 tháng 4 năm 2012, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành liên quan và các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội; tại đầu cầu địa phương có các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:

Trong năm 2011, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được một số kết quả tích cực: hệ thống cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm ở các cấp đã được hình thành và kiện toàn về cơ bản; truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm đã được triển khai liên tục, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đã có: 82,9% người sản xuất, 82,1% người kinh doanh; 82,4% người tiêu dùng, 93,5% cán bộ quản lý có hiểu biết đúng về ATTP.

Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm được đẩy mạnh, việc xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt hơn so với năm 2010: số cơ sở bị phạt tiền tăng từ 17% lên 30%; số cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 0,65 lên 0,9%. Đặc biệt đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng 170 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

So với năm 2010, ngộ độc thực phẩm đã giảm đáng kể: số vụ giảm 27 vụ (15,4%), số mắc giảm 964 người (17%), số tử vong giảm 24 người (47%).

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm ở tuyến huyện và xã vẫn chưa nghiêm, chủ yếu vẫn chỉ nhắc nhở và cảnh cáo. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp (chiếm 33%). Việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Trong năm 2012, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ sau:

1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

- Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2012-2015 với các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với địa phương. Hoàn thành trong quý 3 năm 2012.

- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng kế hoạch phương hướng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm 2012-2013 giữa các Bộ và 2 Hội, tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng là nông dân và phụ nữ trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức cuộc vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện “Ba không”: không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn. Tùy đặc điểm mỗi tổ, phường mà Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện chỉ đạo, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai một nội dung thiết thực nhất trước (một trong ba không), sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực còn lại. Quý 4 năm 2012, các Bộ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2012.

- Phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch quy định cơ chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý các sai phạm về an toàn thực phẩm, hoàn thành trong tháng 9 năm 2012.

2. Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp, có chính sách khuyến khích việc xây dựng bếp ăn tập thể. Nghiên cứu lộ trình bắt buộc các cơ sở có đông công nhân phải có bếp ăn tập thể. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7 năm 2012.

- Chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí đã được ban hành tại Quyết định số 66/QĐ-BCĐTƯVSATTP ngày 11 tháng 11 năm 2010, tổng hợp báo cáo tình hình an toàn thực phẩm các tỉnh và cả nước năm 2012.

- Ban hành Thông tư về danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm; phối hợp Bộ Công Thương tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cho lực lượng Quản lý thị trường trong quý 3 năm 2012.

Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy định điều kiện kinh doanh phụ gia thực phẩm, tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề cho người kinh doanh phụ gia thực phẩm.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai công tác đánh giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, phân bón… Tái kiểm tra các cơ sở bị xếp loại C và có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở tiếp tục vi phạm.

4. Bộ Công Thương:

- Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát thực phẩm nhập khẩu qua biên giới, tập trung chỉ đạo 6 tỉnh biên giới trọng điểm về nhập khẩu thực phẩm, báo cáo Ban Chỉ đạo vào tháng 10 năm 2012.

- Tổ chức sơ kết thí điểm mô hình chợ an toàn trên toàn quốc, báo cáo Ban Chỉ đạo vào tháng 10 năm 2012.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương xây dựng Thông tư liên tịch quy định quy chế phát ngôn, cung cấp và phổ biến thông tin về an toàn thực phẩm, ban hành trong tháng 6 năm 2012.

- Chủ trì, làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các thông tin về gạo giả, sử dụng chất cấm Beta - agonist trong chăn nuôi, cá nhiễm chất Trifluralin… đã được đưa trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây. Giao Bộ Y tế có phát ngôn chính thức về vấn đề này trong tháng 5 năm 2012.

6. Bộ Nội vụ: chủ trì, làm việc với các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương về tổ chức, biên chế cho lực lượng làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý 3 năm 2012.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đề án về đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2012-2015; Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại địa phương.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ và các cơ quan liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Nội vụ, TT&TT, Công an;
- UBND: TP HCM, TP Hà Nội;
- Các thành viên BCĐ liên ngành TW về VSATTP;
- Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTN, KTTH, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ