Thông báo 162/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp thường kỳ Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020
Số hiệu: | 162/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Khắc Định |
Ngày ban hành: | 15/04/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020
Ngày 02 tháng 4 năm 2013, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì phiên họp thường kỳ Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo của đại diện Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án 1956; ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền; ý kiến cùa các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
1. Hoan nghênh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án 1956 đã chuẩn bị khá đầy đủ, chi tiết các báo cáo, tài liệu phục vụ Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 dự kiến tổ chức trong thời gian tới. Tuy nhiên, để việc tổ chức Hội nghị toàn quốc thiết thực, hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo Trung ương cần tiếp tục thực hiện một số công việc sau:
a) Các địa phương cần khẩn trương tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 1956 của địa phương, thời gian hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2013;
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn địa phương tổ chức sơ kết; cử người tham dự hội nghị sơ kết tại một số địa phương điển hình. Trên cơ sở đó, tiếp tục bổ sung số liệu, hoàn thiện Báo cáo sơ kết của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc, dự kiến tổ chức trong thời gian từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 6 năm 2013;
- Tập trung sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; gửi dự thảo sửa đổi, bổ sung xin ý kiến các địa phương trước ngày 15 tháng 5 năm 2013; tổ chức họp xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương trước ngày 30 tháng 5 năm 2013.
c) Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương khi tham gia việc kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương cần làm rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về quy trình tổ chức lớp, quyết định mở lớp, hiệu quả đào tạo.
2. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Trung ương đã cho ý kiến định hướng việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung sau:
a) Thống nhất với việc sửa đổi các mục tiêu Đề án, có bổ sung thêm yêu cầu đảm bảo hiệu quả, rõ trách nhiệm của địa phương, gắn với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Về phạm vi: Cần cân nhắc thêm thời gian áp dụng chính sách đối với các phường hình thành trên cơ sở các xã do quá trình đô thị hóa; chính sách đối với các phường, thị trấn có hộ làm nông nghiệp, ngư nghiệp; chính sách đào tạo nghề cho hộ cận nghèo, cho lao động nông thôn quá tuổi nhưng vẫn đang làm nghề; cân nhắc đề án riêng về đào tạo cán bộ, công chức cấp xã;
c) Về chính sách:
- Đối với người học nghề: Tiếp tục nghiên cứu thêm về mức hỗ trợ tiền ăn đối với người học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo; mức hỗ trợ tiền đi lại có phân biệt theo vùng; số lần được học nghề;
- Đối với cơ sở dạy nghề: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng Thông tư liên bộ hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, xây dựng một trung tâm cấp huyện có các chức năng giáo dục thường xuyên, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, ban hành trước ngày 30 tháng 4 năm 2013. Khuyến khích mọi cơ sở đào tạo có đủ tiêu chuẩn tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hình thức tuyển chọn cạnh tranh;
- Đối với giáo viên: Cần nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể, có phân biệt giữa giáo viên dạy nghề và người dạy nghề, trong đó lưu ý các chính sách hỗ trợ người dạy nghề;
d) Về hỗ trợ vốn sau đào tạo nghề: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập hợp nhu cầu vay vốn sau học nghề, các nguồn vốn cho vay, kiến nghị sửa đổi, chính sách cho vay, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 30 tháng 5 năm 2013;
đ) Về trách nhiệm thực hiện Đề án: Nghiên cứu bổ sung thêm vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong thực hiện Đề án; trách nhiệm của địa phương các cấp trong việc quyết định mở lớp và tổ chức lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành: 27/11/2009 | Cập nhật: 04/12/2009