Thông báo 153/TB-VPCP về ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm
Số hiệu: 153/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Trần Quốc Toản
Ngày ban hành: 16/11/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Y tế - dược, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2001

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI CUỘC HỌP CỦA UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 2001, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp lần thứ 4 của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Tham dự họp có các thành viên của Uỷ ban Quốc gia.

Tại Hội nghị, các đồng chí Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an, Đàm Hữu Đắc - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trần Chí Liêm - Thứ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo tình hình triền khai các hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý, mại dâm và HIV/AIDS kể từ sau các Hội nghị toàn quốc và phương hướng công tác đến cuối năm 2001. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Phan Quang Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phân bổ, sử dụng kinh phí và các dự án đầu tư cho 3 chương trình trong năm 2001 và dự toán ngân sách cho các chương trình này trong năm 2002.

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm có ý kiến như sau:

1. Đánh giá chung:

Hội nghị thống nhất với nội dung của các báo cáo do các Bộ thường trực ba lĩnh vực đã trình bày. Trong thời gian qua công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã đạt được một số kết quả khả quan, đã gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Trong công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý: đã xóa bỏ được một số tụ điểm ma tuý phức tạp ở một số thành phố. Công tác điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý được thực hiện đồng bộ với công tác quản lý địa bàn dân cư. Ma tuý trong học đường đã chững lại và có xu hướng giảm. Diện tích trồng cây thuốc phiện tiếp tục giảm.

Trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm: các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp và các tổ chức xã hội thực hiện những biện pháp kiên quyết, đồng bộ và bước đầu ngăn chặn được hoạt động mại dâm công khai trên địa bàn. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí, vũ trường, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn... được tăng cường, nên đã ngăn chặn một phần tệ nạn mại dâm trá hình.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS: suy trì tốt công tác an toàn truyền máu và công tác giám sát trọng điểm; từng bước kiện toàn công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn cho các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS; đã huy động được cộng đồng tham gia tích cực trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, nên đã làm chậm tốc độ lây lan của bệnh dịch này.

Tuy vậy còn có những tồn tại đáng chú ý là:

- Việc tàng trữ, buôn bán và sử dụng ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp có xu hướng gia tăng; hiện tượng cán bộ công nhân viên nghiện ma tuý là một thực tế đáng lo ngại, đặc biệt ở ngành giao thông - vận tải. Trên bình diện toàn quốc, số lượng người nghiện ma tuý vẫn chưa giảm, cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý còn rất phức tạp.

- Lực lượng và phương tiện phòng, chống ma tuý còn mỏng nên kết quả chưa cao.

- Tệ nạn mại dâm còn diễn biến phức tạp và hoạt động mại dâm trá hình ngày một tinh vi.

- Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS không chỉ gia tăng trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mà đã xâm nhập vào các cộng đồng dân cư.

2. Những biện pháp cần triển khai trong thời gian tới:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong việc giam gia vào công tác này với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ trong toàn xã hội.

- Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở có trách nhiệm và vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm kịp thời, tạo điều kiện để địa phương và cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ. Phải có cơ chế tài chính thích hợp gắn kết với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; Chú trọng và ưu tiên kinh phí cho cơ sở trực tiếp để hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

- Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm về công tác này. Từ nay đến hết năm 2001, Uỷ ban Quốc gia cần tập trung chỉ đạo trọng điểm để có sự chuyển biến rõ rệt tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và Bộ Giao thông vận tải, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn quốc.

3. Về tổ chức thực hiện:

a/ Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất quy trình tổng hợp kế hoạch, phân bổ kinh phí hàng năm cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm để trình Thủ tướng Chính phủ.

b/ Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý phù hợp áp dụng cho Chương trình phòng, chống ma tuý giai đoạn 2001-2005 để nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

c/ Bộ Công an chỉ đạo xây dựng dự án tăng cường trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý.

d/ Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xây dựng dự án tăng cường trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng.

đ/ Tổng cục Hải quan xây dựng dự án tăng cường trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho lực lượng Hải quan phòng, chống ma tuý.

Ba dự án này cần sớm trình duyệt theo quy định hiện hành.

e/ Văn phòng Chính phủ có công văn nhắc các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm theo Quyết định số 61/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5 tháng 6 năm 2000 để thống nhất chỉ đạo thực hiện các chương trình phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm thuộc Bộ, ngành và địa phương mình quản lý.

g/ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Uỷ ban Thường vụ quốc hội phê duyệt Pháp lệnh phòng, chống tệ nạn mại dâm; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội để tăng cường hiệu quả trong công tác này.

h/ Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên cơ sở đã phát động đợt cao điểm phòng, chống tệ nạn ma tuý, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn.

i/ Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có biện pháp tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, đoàn viên công đoàn tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan thành viên Uỷ ban Quốc gia, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản