Thông báo 136/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp đánh giá 5 năm hoạt động (2006-2010) và định hướng đến 2020 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Số hiệu: 136/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 07/06/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP ĐÁNH GIÁ 5 NĂM HOẠT ĐỘNG (2006-2010) VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 CỦA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Ngày 25 tháng 5 năm 2011, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp đánh giá 5 năm hoạt động (2006-2011) và định hướng hoạt động đến 2015, tầm nhìn đến 2020 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cùng dự họp có đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo và ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần rút kinh nghiệm, khắc phục; vì vậy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải tổng kết sâu sắc, toàn diện quá trình hoạt động thời gian qua, rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đối với những nhiệm vụ đã hoàn thành, vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, yếu kém, để có cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển đúng hướng cho giai đoạn tiếp theo.

2. Để bảo đảm phát triển một cách bền vững, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển của thời kỳ 2011 - 2020, theo hướng:

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam với 100% vốn Nhà nước, là định chế tài chính Nhà nước, để thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ, khác với cơ chế hoạt động của các ngân hàng thương mại và phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2011 - 2020 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua.

- Phải xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động đặc thù, công cụ thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ và một số dịch vụ cần thiết được phép cung ứng; phương thức quản trị ngân hàng, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước hoặc thay mặt Chính phủ để quản lý hoạt động của Ngân hàng này.

- Cơ chế tài chính cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải đủ mạnh, bảo đảm tự chủ, ngân sách nhà nước tiến tới không cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí hoạt động.

- Phương hướng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực bảo đảm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn tới.

Sau khi có ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội đồng quản lý thông qua Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý IV năm 2011.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều lệ, cơ chế tài chính và các vấn đề liên đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các PTTgCP;
- Các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, Nội vụ; Tư pháp;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN,
PCN: Phạm Văn Phượng,
Vụ TKBT, Vụ Tổng hợp, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3).21

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.