Thông báo số 136/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp bàn về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 136/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 03/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 136/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BÀN VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Ngày 21 tháng 6 năm 2007, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp bàn về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Cùng dự cuộc họp với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, Phó Thủ tướng Thường trực đã kết luận như sau:

I. VỀ NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.

Việc định hướng phát triển đường sắt Việt Nam trong thời gian dài đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, gắn với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp và đến năm 2050 thành nước phát triển.

Chiến lược này phải thống nhất với quy hoạch của các ngành giao thông vận tải khác, các quy hoạch vùng, địa phương và bảo đảm gắn kết vận tải đa phương thức; đồng thời trình bày rõ các nội dung: phân tích về thị phần vận tải hàng hoá, vận tải hành khách bằng đường sắt; về phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt (về kỹ thuật, phạm vi điện khí hoá, khổ đường, loại, cấp đường,…); về tốc độ chạy tàu, về phương tiện, thiết bị, cơ sở công nghiệp đường sắt…; về bảo đảm an toàn đường sắt; về phát triển nguồn nhân lực; đề xuất các chính sách đặc biệt, giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực đầu tư và cơ cấu nguồn vốn thực hiện (phân định rõ những công việc do Trung ương đảm nhiệm, những công việc do địa phương đảm nhiệm, những công việc kêu gọi các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước và không có sự hỗ trợ của Nhà nước).

Khi xây dựng chiến lược cần lưu ý: phát triển đường sắt nhằm đáp ứng được nhu cầu vận tải trên trục dọc của đất nước; vận tải hàng hoá đến các vùng kinh tế quan trọng (các khu công nghiệp, các cảng biển…); vận tải hành khách ở các đô thị (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn); vận tải quốc tế (chú ý tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt của Việt Nam nối với các nước bạn để phát huy hiệu quả) và xác định phương thức hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phù hợp với thời kỳ mới.

II. VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức thực hiện những việc sau đây:

1. Rà soát nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ), xác định rõ các nhiệm vụ, dự án cần ưu tiên thực hiện trong từng thời kỳ.

Chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên cơ sở những nghiên cứu nhu cầu hiện tại, dự báo nhu cầu tương lai, căn cứ kinh nghiệm phát triển đường sắt của các nước trên thế giới và tình hình cụ thể của nước ta để xác định tiêu chí của đường sắt Việt Nam (đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị) ở các thời điểm năm 2020, năm 2050; bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần nêu ở phần trên, và trong tháng 7 năm 2007, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua để trình Bộ Chính trị.

2. Rà soát lại quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của các ngành giao thông vận tải, bảo đảm tính thống nhất về quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước; phối hợp với Bộ Tài chính bố trí kịp thời và đầy đủ kinh phí để thực hiện công tác này.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách và cơ chế huy động vốn đầu tư nhằm phát triển giao thông vận tải đường sắt nói riêng và phát triển các ngành giao thông vận tải nói chung.

4. Nghiên cứu, sắp xếp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong đó có tổ chức lại mô hình quản lý kinh doanh kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải đường sắt quốc gia theo tinh thần Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tập trung chỉ đạo nghiên cứu xây dựng báo cáo đầu tư xây dựng toàn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh; có nghiên cứu phát triển kéo dài tuyến đến thành phố Cần Thơ; các dự án đường sắt thuộc đường sắt Xuyên Á và Chương trình hợp tác Hai hành lang một vàng đai kinh tế Việt-Trung; các dự án đường sắt nối với các cảng biển, các khu công nghiệp.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, Phó TTg Nguyễn Sinh Hùng (để b/c);
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Phúc, PCN Nguyễn Quốc Huy, PCN Văn Trọng Lý, các Vụ: KTTH, TH, Website Chính phủ;
- Lưu VT, CN (3)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc