Thông báo số 122/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp đến năm 2020
Số hiệu: 122/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 10/04/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 122/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN CƠ GIỚI HÓA VÀ GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

Ngày 7 tháng 4 năm 2009, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì họp về Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Tham dự họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo nội dung Đề án, ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị Đề án khá công phu và đưa ra hệ thống chính sách, giải pháp thực hiện giảm tổn thất các sản phẩm nông nghiệp tương đối toàn diện. Có nhiều giải pháp để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhưng Đề án cần xây dựng, hoàn thiện theo hướng tập trung vào các chính sách và giải pháp về cơ giới hóa các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm. Tổng kết, đánh giá thực trạng, những khó khăn tồn tại và nguyên nhân tổn thất ở từng khâu do khách quan, chủ quan (công nghệ, thiết bị, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến...); tỷ lệ tổn thất cụ thể về số lượng, về chất lượng trong tổn thất chung của sản phẩm, từ đó xác định phạm vi, đối tượng, quan điểm, mục tiêu cơ giới hóa để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch sản phẩm, đồng thời kiến nghị cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao.

2. Xem xét mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể thực hiện Đề án theo hướng tập trung giải quyết sản phẩm chủ lực, trước hết ưu tiên đối với sản phẩm lương thực, thủy sản và thực hiện các khâu quan trọng trong chuỗi sản phẩm có tác động chủ yếu để giảm tổn thất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hoặc thực hiện theo từng khâu công đoạn đối với từng loại sản phẩm chủ lực. Chính sách, giải pháp cần quy định rõ đối tượng (nhà nước, doanh nghiệp, hộ nông dân) thực hiện và thụ hưởng. Phân công cụ thể các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, chỉ đạo thực hiện từng lĩnh vực cụ thể của Đề án.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành hoàn thiện Đề án theo hướng đề xuất toàn diện, tổng thể các cơ chế, chính sách, giải pháp giảm tổn thất trong nông nghiệp để thực hiện; trước mắt xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đến năm 2020, trình Chính phủ tại phiên họp tháng 4 năm 2009.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, PTT Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, CT, TC, KH&ĐT, KH&CN;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.