Thông báo 121/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Vũ Khoan về cuộc họp bàn kế hoạch năm 2003 -2004 của ngành thương mại
Số hiệu: | 121/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Quốc Huy |
Ngày ban hành: | 14/08/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2003 |
THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 121/TB-VPCP NGÀY 14 THÁNG 8 NĂM 2003 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN VỀ CUỘC HỌP BÀN VỀ KẾ HOẠCH NĂM 2003 - 2004 CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI
Ngày 06 tháng 8 năm 2003 tại Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Vũ Khoan thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành để rà soát việc thực hiện kế hoạch năm 2003 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2004 của ngành thương mại.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Thương mại, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
1. Trong quá trình rà soát kế hoạch năm 2003, chuẩn bị kế hoạch năm 2004 và đánh giá triển vọng thực hiện kế hoạch 2001 - 2005, các Bộ cần phân tích sâu nguyên nhân làm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 60% dự kiến, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu và nhập siêu tăng dần, vượt mức dự kiến của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, làm rõ những thách thức lớn đối với công tác xuất khẩu trong ba năm qua và đối với thời gian còn lại của kế hoạch 2001 - 2005. Bên cạnh đó, cần đánh giá, phân tích cả những thiếu sót trong chính sách và cơ cấu đầu tư, cũng như các cơ chế, chính sách ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu.
2. Để xây dựng kế hoạch năm 2004 sát thực tế, cần đánh giá, phân tích sâu hơn tình hình và triển vọng các thị trường xuất khẩu chính, như thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật, ASEAN..., trong đó cần lưu ý các yếu tố gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường; các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản thương mại từ các nước. Bên cạnh đó, các ngành tài chính, ngân hàng cần nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các đồng ngoại tệ mạnh đến xuất khẩu.
Trong hoạt động xuất khẩu năm 2004, có thể có nhiều thách thức và khó khăn, song cần đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên trên 10%, nếu không trong thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 sẽ không thực hiện được mục tiêu đề ra.
Bộ Thương mại cần khẩn trương làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản và các Tổng công ty ngành hàng lớn để rà soát, tìm kiếm mọi khả năng đẩy mạnh xuất khẩu theo phương châm đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá phương thức bán hàng; đề ra các cơ chế, giải pháp hữu hiệu và khả thi; đồng thời, Bộ Thương mại cần đề xuất các biện pháp cụ thể hơn để hạn chế nhập siêu.
3. Giao Bộ Thương mại chủ trì bàn với các Bộ, ngành liên quan để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số các cơ chế, chính sách chủ yếu sau:
a) Điều chỉnh cơ chế, chính sách thương mại cho phù hợp tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
b) Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, khẩn trương thiết lập các trung tâm thương mại ở trong, ngoài nước theo chủ trương của Chính phủ.
c) Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu trên cơ sở đóng góp tài chính của doanh nghiệp để xử lý các khó khăn nảy sinh trên thị trường, kể cả việc xử lý các vụ kiện, tranh chấp thương mại và đối phó với các rào cản thương mại từ các nước nhập hàng hoá của ta.
d) Nghiên cứu việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống các kênh phân phối lưu thông, xuất khẩu hàng hoá để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
đ) Xây dựng hàng rào kỹ thuật tự vệ, bảo hộ sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 78/CP-KTTH ngày 20 tháng 01 năm 2002 và có cơ chế phối hợp liên ngành trong điều hành công tác này.
4. Bộ Thương mại làm việc với các Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh báo cáo về kế hoạch thương mại 2003 - 2004 trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2003; có kế hoạch làm việc cụ thể với các Bộ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2003 - 2004; riêng công việc nêu tại mục đ điểm 3, các Bộ, ngành cần hoàn thiện trước ngày 30 tháng 8 năm 2003 để Bộ Thương mại tổng hợp và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2003.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
|
Nguyễn Quốc Huy (Đã ký) |