Thông báo số 120/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Tổng công ty giấy Việt Nam về sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2009
Số hiệu: 120/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 08/04/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 120/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỔNG CÔNG TY GIẤY VIỆT NAM VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH, ĐẦU TƯ, SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NĂM 2009

Ngày 24 tháng 3 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty Giấy Việt Nam năm 2009. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Sau khi nghe của Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Đất nước ta có tài nguyên rừng khá phong phú, là nguồn tài nguyên có thể tái tạo được. Trong những năm qua, hoạt động lâm nghiệp không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế của đất nước nói chung mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất bột giấy và giấy, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc và nông thôn miền núi, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong thời gian tới cần tiếp tục bảo vệ, phát triển và khai thác tốt hơn nữa tài nguyên này.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ khi thành lập (năm 2005) đến nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam không ngừng phát triển, đóng vai trò chủ lực cung cấp các sản phẩm giấy cho nền kinh tế, góp phần bình ổn giá cả; phối hợp với chính quyền các địa phương phát triển rừng làm nguyên liệu giấy, góp phần nâng cao đời sống của nông thôn miền núi, bảo vệ môi trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty có hiệu quả, tài chính lành mạnh, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 3,2 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước; tổng sản lượng giấy đạt trên 315 ngàn tấn; trồng rừng được trên 6,9 ngàn ha; nộp ngân sách nhà nước 205 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm trước; công tác cổ phần hoá, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp thực hiện theo kế hoạch đề ra; đời sống của cán bộ, công nhân viên được ổn định. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty trong năm qua.

Tuy nhiên, Tổng công ty Giấy Việt Nam còn một số hạn chế đó là: việc triển khai các dự án đầu tư (dự án bột giấy và giấy Thanh Hoá, dự án mở rộng Bãi Bằng giai đoạn 2) còn rất chậm, không đáp ứng được tiến độ đề ra; kế hoạch trồng rừng mới đạt kết quả còn thấp (65,6%) đời sống công nhân trồng rừng nguyên liệu giấy còn nhiều khó khăn,...

II. NHIỆM VỤ NĂM 2009

Tổng công ty Giấy Việt Nam được giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực bảo đảm cung cấp đủ giấy cho phát triển kinh tế quốc dân. Những năm tới đây, nhu cầu các chủng loại giấy trong nước ngày càng tăng, yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Tổng công ty cần hướng vào thị trường trong nước là chính, không ngừng nâng cao chất lượng giấy để tăng tính cạnh tranh so với hàng giấy nhập khẩu. Về cơ bản nhất trí với mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế Tổng công ty đề ra trong năm 2009. Để thực hiện nhiệm vụ năm 2009, Tổng công ty tập trung làm tốt những việc sau đây:

1. Tổng công ty tính toán, để xây dựng chiến lược phát triển trong 10 - 15 năm tới; việc xây dựng chiến lược phải tính toán kỹ cung, cầu của nền kinh tế, trên cơ sở đó lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nguồn tài chính và áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tiên tiến.

2. Về đầu tư:

a) Đối với dự án mở rộng Nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 và dự án Nhà máy bột giấy và giấy Thanh Hoá:

Tổng công ty Giấy Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt theo tiến độ đề ra; tranh thủ thời cơ do khủng hoảng tài chính một số doanh nghiệp của các nước có nhu cầu bán máy móc, thiết bị, tìm hiểu thị trường để tìm mua máy móc, thiết bị, có công nghệ cao, giá cả phù hợp cho hai dự án trên, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Việc bảo lãnh của Chính phủ mua thiết bị nước ngoài cho các dự án trên sẽ được xem xét sau khi có hợp đồng mua máy móc, thiết bị cho dự án.

b) Về dự án Nhà máy giấy Kon Tum:

Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty cổ phần giấy Tân Mai phối hợp với các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum triển khai đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 10/TTg-KTN ngày 02 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và sớm triển khai dự án theo tiến độ đề ra; bảo đảm an toàn cho 17.000 ha rừng nguyên liệu giấy Kon Tum, không để xảy ra cháy rừng.

c) Về dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam:

- Giao Tổng công ty Giấy Việt Nam làm Chủ đầu tư dự án nêu trên; Tổng công ty triển khai ngay việc tiếp nhận và sử dụng Ban quản lý hiện có, bổ sung cán bộ có đủ năng lực của Tổng công ty để hoàn chỉnh bộ máy của Ban, bảo đảm quản lý tốt dự án; đồng thời mời các Nhà thầu (cung cấp thiết bị, xây dựng, lắp đặt,...) trước đây tiếp tục tham gia xây dựng dự án; xây dựng tiến độ cho từng hạng mục, triển khai tích cực tiến độ đề ra để sớm hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động vào cuối năm 2009.

Tổng công ty Giấy Việt Nam nghiên cứu việc sử dụng cây tràm và các loại nguyên liệu khác phù với công nghệ của Dự án giấy Phương Nam để bảo đảm đủ nguyên liệu cung cấp lâu dài cho nhà máy kể cả việc bổ sung máy móc, thiết bị cho sử dụng nguyên liệu khác ngoài cây đay, nếu thấy cần thiết.

- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI) tiến hành thủ tục, giải quyết các vấn đề cụ thể về việc chuyển Chủ đầu dự án nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề còn tồn tại cần xử lý để xem xét, quyết định. Việc bàn giao tài sản giữa Chủ đầu tư cũ và Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ thực hiện sau khi có kết quả kiểm toán độc lập.

- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp tục tham gia đầu tư vào dự án. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế SCIC tiếp tục đầu tư vào dự án, cơ cấu lại nguồn vốn và hướng dẫn Tổng công ty Giấy Việt Nam lập phương án tài chính, bảo đảm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tài chính lành mạnh.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ

1. Về chính sách thuế: đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng đối với giấy loại thu mua trong nước từ 10% xuống 5%; đối với giấy in và giấy viết, giao Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Về cơ chế, chính sách trồng rừng nguyên liệu giấy:

Đối với dự án trồng rừng, được vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam rà soát lại cho phù hợp về mức vay, thời gian vay, thời gian trả nợ đối với dự án trồng rừng cho nguyên liệu giấy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Đồng ý chuyển các lâm trường nguyên liệu giấy, các công ty lâm nghiệp hạch toán độc lập sang hạch toán phụ thuộc Tổng ty Giấy Việt Nam. Tổng ty Giấy Việt Nam lập phương án cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về cổ phần hoá Tổng công ty Giấy Việt Nam: Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty lập phương án và chọn thời điểm phù hợp, để thực hiện cổ phần hoá có hiệu quả nhất.

5. Về quy hoạch chồng chéo lên đất vùng nguyên liệu giấy của Tổng công ty tại các địa phương: Tổng công ty làm việc cụ thể với các địa phương này để giải quyết. Trường hợp đất đã quy hoạch cho vùng nguyên liệu giấy, nhưng nay quy hoạch cho mục đích khác thì địa phương phải cấp bù diện tích đất tương ứng, để Tổng công ty trồng rừng, bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy.

Việc cấp giấy quyền sử đất cho các đơn vị thành viên tại các tỉnh: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Tổng công ty Giấy Việt Nam làm việc cụ thể với các tỉnh nêu trên, để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

6. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cho sản xuất giấy, bột giấy và các lĩnh vực khác phù hợp với quy chuẩn trên thế giới và khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Về sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tổng công ty giấy Việt Nam xem xét, theo hướng để Tổng công ty Giấy Việt Nam làm vốn đối ứng cho dự án mở rộng Nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTgCP;
- Các Bộ: Công Thương, Tài chính, TN&MT, NN&PTNT, KH&ĐT, KH&CN;
- UBND các tỉnh: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Kon Tum;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Tổng công ty ĐT & Kinh doanh vốn NN;
- Tổng công ty Giấy VN;
- Công ty cổ phần giấy Tân Mai;
- Công ty TNHH TRACODI;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng