Thông báo số 12/TB-VPCP về việc ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009 của ngành giao thông vận tải
Số hiệu: | 12/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 08/01/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2009 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2008 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2009 CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Ngày 30 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009của ngành Giao thông vận tải.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng kết năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2008
Bên cạnh những thuận lợi từ thành tựu của hơn 20 năm đổi mới, trong năm qua nước ta còn gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.
Bằng sự nỗ lực lớn của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, sự quản lý của Nhà nước, chúng ta đã dành được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới suy giảm, trong năm qua nền kinh tế nước ta vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,23%, xuất khẩu tăng 29%, dịch vụ tăng trên 7%...tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng cũng là mức tăng trưởng khá, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...
Góp phần vào kết quả đó có sự đóng góp tích cực của ngành Giao thông vận tải, cụ thể trong các lĩnh vực:
- Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ và số người chết, số người bị thương.
- Đầu tư hạ tầng giao thông: Trong điều kiện lạm phát, giá cả tăng cao trong thời gian vừa qua, đầu tư hạ tầng giao thông đã có nhiều cố gắng, tỷ lệ giải ngân đạt khá cao, vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo duy trì công ăn việc làm cho người lao động; nhiều công trình đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không đều tăng so với năm trước.
- Các doanh nghiệp trong ngành ngày càng vững mạnh, thu nhập bình quân khá. Bộ Giao thông vận tải cần hết sức tập trung để hỗ trợ các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu.
II. MỘT SỐ CÔNG TÁC CẦN TẬP TRUNG TRIỂN KHAI TRONG NĂM 2009
Năm 2009, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục còn khó khăn. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội và nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2009, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là: ngăn chặn suy giảm kinh tế; ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý; bảo đảm an sinh xã hội; đề ra năm nhóm giải pháp: tháo gỡ khó khăn, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; điều hành chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện linh hoạt, quyết liệt, phù hợp tình hình thực tế. Thống nhất những nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải đã nêu trong báo cáo; cần lưu ý tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực của Ngành, đặc biệt phải quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, cơ chế. Bộ Giao thông vận tải cần rà soát lại cơ chế, chính sách để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp; chủ động kiến nghị sửa đổi cơ chế để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư, cơ chế huy động vốn, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách thông qua hình thức đầu tư BOT, BT, Hợp tác Nhà nước - Tư nhân (PPP)... Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch để phục vụ cho đầu tư xây dựng; điều phối các lĩnh vực vận tải đuờng bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để phát huy hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật.
2. Tập trung chỉ đạo giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chính phủ sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng. Trong quá trình triển khai cần phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí. Bộ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua các hình thức đầu tư BOT, BT...để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu lớn về hạ tầng giao thông.
3. Tập trung chỉ đạo quyết liệt lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt là an ninh, an toàn hàng không.
4. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vận tải. Mặc dù trong thời gian qua chất lượng dịch vụ vận tải đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư các trạm dịch vụ dọc tuyến đường để bảo đảm văn minh vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách.
5. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động để tạo đà phát triển trong các năm tới.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |