Thông báo số 114/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam
Số hiệu: 114/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Văn Phượng
Ngày ban hành: 02/04/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 114/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP XI MĂNG VIỆT NAM

Ngày 26 tháng 3 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2008 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009 có tính tới năm 2010 của Tổng công ty Công nghiệp Xi nămg Việt Nam (Vicem). Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Ngành Xi măng là ngành có nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó Vicem là nòng cốt, chủ lực.Trải qua nhiều năm xây dựng, phát triển, qua nhiều thời kỳ, hình thành theo mô hình Tổng công ty nhà nước, đến nay chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, Vicem đã phát triển từ nội lực, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, không ngừng đổi mới khoa học công nghệ, phát triển thị trường, khai thác hiệu quả tài nguyên đá vôi của nước ta để sản xuất xi măng, từ lúc hầu hết xi măng còn phải nhập khẩu thì nay đã đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Mặc dù trong năm 2008 có nhiều biến động về giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tác động tới giá thành sản phẩm, nhưng Vicem đã có nhiều cố gắng trong công tác điều hành, điều phối sản phẩm giữa các miền, giữ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tham gia bình ổn thị trường xi măng - sản phẩm vật liệu quan trọng và hoàn thành tốt kế hoạch đề ra với tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm hài hòa giữa doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động ngày càng cao. Chính phủ đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong những năm qua của Vicem.

Đến nay, Vicem đang nắm giữ 32,5% công suất thiết kế của các cơ sở sản xuất xi măng trong toàn quốc và chiếm 38,7% thị phần, tỷ lệ chiếm giữ thị phần có giảm so với các năm trước đây, điều này chưa phản ánh đúng tiềm lực thực tế của Vicem, bởi các hạn chế: năng suất lao động chưa cao, triển khai các dự án đầu tư chậm, chưa linh hoạt trong xử lý các tình huống khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt đòi hỏi lãnh đạo Vicem cần phải xem xét kỹ về quy chế vận hành bộ máy nội bộ; rút kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức bảo đảm hoạt động theo mô hình mẹ - con có hiệu quả hơn; có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển; rà soát, chấn chỉnh hệ thống phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu chung của Vicem; đồng thời có nhiều giải pháp linh hoạt để khai thác, phát huy thế mạnh sẵn có của mình, khẳng định vị thế chủ đạo trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực, hướng tới xây dựng tập đoàn đa sở hữu.

Hội đồng quản trị Vicem cần sớm phê duyệt chiến lược phát triển đến 2020, trong đó xác định rõ mục tiêu cần đạt được theo các mốc thời gian, từ đó có kế hoạch cụ thể cho từng năm và định hướng kế hoạch phát triển thành Tập đoàn công nghiệp Vật liệu xây dựng với sản phẩm chính là xi măng; tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; chấn chỉnh, cải tiến mạng lưới phân phối sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đáp ứng đủ xi măng cho nhu cầu của thị trường, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong sản xuất và bình ổn thị trường xi măng.

II. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỤ THỂ:

1. Về giá:

- Việc điều tiết tiêu thụ sản phẩm nội bộ: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Giá bán xi măng: Vicem thực hiện việc điều chỉnh giá theo quy định của Pháp lệnh Giá, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2. Về việc nhập khẩu than:

Vicem chủ động triển khai việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu phục vụ sản xuất xi măng.

3. Về chế độ tiền lương đặc thù:

Vicem làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng Đề án thí điểm chế độ tiền lương riêng cho ngành Xi măng, khuyến khích sản xuất đồng thời giữ được đội ngũ cán bộ giỏi, công nhân lành nghề.

4. Đối với các dự án xi măng:

- Về quy hoạch xi măng:

+ Giao Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch xi măng theo Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giám sát chặt chẽ việc triển khai các dự án hiện có, bảo đảm đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động và theo đúng các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các nhà máy xi măng và công tác khai thác mỏ gần các khu du lịch đáp ứng các tiêu chí về môi trường nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng đến cảnh quan; có biện pháp giãn tiến độ huy động của các dự án chậm triển khai; trong quý I năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển xi măng đến 2015, định hướng đến 2025 phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm cảnh quan, môi trường và cân đối cung cầu.

+ Đồng ý Vicem đầu tư xây dựng trạm nghiền xi măng tại tỉnh Bến Tre.

- Về các mỏ nguyên liệu:

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm quyết định cấp giấy phép khai thác khu vực kho xăng dầu A318, mỏ đá vôi Áng Dâu tại Minh Tân, Kim Môn, Hải Dương cho Nhà máy xi măng Hoàng Thạch.

+ Về việc giao mỏ đá vôi Phương Nam (Quảng Ninh) và mỏ đá sét Khe Non (Hà Nam) cho Vicem, phục vụ cho hoạt động của các Nhà máy xi măng Hải Phòng và xi măng Bút Sơn: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam giải quyết sớm.

- Về đường vào Trạm nghiền và phân phối xi măng phía Nam tại Quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn từ ngã Ba Gò Trang đến khu công nghiệp Phú Hữu:

+ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện và bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 trong Quý II năm 2009;

+ Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 tiến hành lập dự án đầu tư trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Về ảnh hưởng của đập ngăn mặn trên sông Lèn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có ý kiến để Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn triển khai xây dựng cảng vận tải nội địa trên sông Lèn.

- Về các dự án đầu tư theo chiến lược phát triển của Vicem:

+ Về dự án cảng tổng hợp tại Nghi Sơn: đây là dự án cấp thiết phục vụ cho việc điều chuyển clinker, xi măng từ các nhà máy xi măng phía Bắc cho khu vực miền Trung, miền Nam và xuất khẩu, giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

+ Về dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa): giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Vicem khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt và tìm nguồn vốn cho dự án.

+ Việc đầu tư phát triển vật liệu xây dựng không nung và cốt liệu cho ngành bê tông xây dựng: Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện đề án chung phát triển vật liệu xây dựng không nung và đề xuất các cơ chế thực hiện nhằm hạn chế sử dụng đất nông nghiệp làm vật liệu xây dựng.

+ Đối với các dự án đầu tư cải tiến công nghệ để sử dụng năng lượng thừa và giảm phát thải khí, bảo vệ môi trường của các nhà máy xi măng: được hỗ trợ lãi suất để đầu tư theo chủ trương của Chính phủ.

+ Việc đầu tư các cơ sở sản xuất xi măng sang Lào, Campuchia, Myama và Nam Trung Quốc và liên doanh, phát triển công nghiệp khai thác và chế biến thạch cao với các đối tác tại Lào thuộc thẩm quyền quyết định của Vicem.

- Về công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp:

+ Đồng ý dừng việc cổ phần hóa 5 công ty con để tiến hành cổ phần hóa toàn Tổng công ty vào năm 2010. Giao Bộ Tài chính chủ trì, xem xét lộ trình cổ phần hóa các Tổng công ty nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Về việc xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Vật liệu xây dựng đa sở hữu, trong đó lấy sản xuất xi măng là chính, Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Về công tác tài chính:

- Cho phép Vicem được sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để phục vụ cho công tác cơ cấu lại tài chính của các công ty con trực thuộc, Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện.

- Việc bàn giao nhà ở và công trình gắn với đất khi cổ phần hóa các doanh nghiệp cho các địa phương quản lý: Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An chỉ đạo thực hiện dứt điểm công tác tiếp nhận các cơ sở nhà ở, công trình gắn với đất của các Công ty xi măng đã cổ phần hóa: Bút Sơn, Bỉm Sơn và Hoàng Mai.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các PTTgCP;
- Các Bộ: XD, KH&ĐT, TC, GTVT, TN&MT, LĐTB&XH, NN&PTNT, VHTT&DL;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, TP: Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An;
- TCTCN Xi măng VN;
- Hiệp hội XMVN;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, ĐP, KGVX, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (5)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng